Tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Tại Đồng Nai từ năm 2021 đến tháng 9 năm 2023 đã ghi nhận thêm gần 8 nghìn ca ung thư.
Số ca mắc ung thư tăng qua các năm
BS.CKI Dương Cường - Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết, bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Chỉ tính từ năm 2021 đến tháng 9 năm 2023 đã ghi nhận thêm 7.986 ca ung thư, trong đó năm 2021 là 2.074 ca, năm 2022 là 2.929 ca và mới chỉ 9 tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận 2.983 ca. Tổng số bệnh tử vong là 4.145 ca.
Nhìn chung, bệnh ung thư phân bố đa dạng về loại bệnh và tập trung vào nhóm ung thư đường tiêu hóa, hô hấp, giáp và ung thư phụ khoa. Cụ thể, bệnh ung thư đại, trực tràng, ung thư giáp chiếm tỷ lệ cao nhất 13,8%, 13,5%; ung thư gan và ung thư vú chiếm tỷ lệ 12,2% và 12,4%, tiếp theo là bệnh ung thư phổi chiếm tỷ lệ 10,8%.
Bác sĩ đang khám, tư vấn cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Đại học Y dược ShingMark.
Những bệnh ung thư thường gặp ở nam giới là ung thư gan, đại trực tràng, phổi, dạ dày. Trong đó, bệnh ung thư gan, đại trực tràng chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 19% và 17%.
Ở nữ, những ca bệnh thường gặp liên quan tới ung thư vú, giáp, đại trực tràng. Trong đó, bệnh ung thư vú, giáp, đại trực tràng chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 22,1%, 20,8%.
Những trường hợp mắc bệnh ung thư mới có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Tỷ lệ mắc mới bệnh cao nhất ở độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm gần 50% so với các nhóm tuổi còn lại.
Nguyên nhân và biện pháp phòng bệnh
Theo bác sĩ Dương Cường, phần lớn ung thư phát sinh có liên quan tới hành vi, môi trường sống bao gồm các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc; chế độ dinh dưỡng không hợp lý; ít vận động thể chất; quan hệ tình dục không an toàn; yếu tố liên quan đến nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường. Đây là các yếu tố có thể thay đổi được.
Một số ít bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể, gồm các rối loạn nội tiết và tổn thương có tính di truyền, những yếu tố này là những yếu tố không thay đổi được.
Để phòng tránh ung thư chúng ta cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh; tích cực luyện tập thể dục thể thao; không hút thuốc, tránh xa khói thuốc lá; kiểm soát cân nặng, tránh béo phì; tránh tiếp xúc với các tia bức xạ có hại; tránh tiếp xúc với các hóa chất nông nghiệp và công nghiệp; ngủ đủ giấc; thực hiện tầm soát ung thư tổng quát định kỳ.
Đối với việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, chúng ta nên lựa chọn thực phẩm sạch tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản tốt. Thường xuyên ăn các món luộc, hấp hơn là những món chiên, xào, nướng… Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng: protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng để tăng sức đề kháng chống lại các tế bào ung thư. Ăn đa dạng nhiều món và thường xuyên thay đổi món trong các bữa ăn. Ăn nhiều trái cây và rau để hấp thụ đủ những sinh tố và chất xơ, nhất là các thực phẩm phòng chống ung thư như: bơ, cải xanh, bắp cải, đu đủ, dứa, tỏi, hành, khoai lang, đậu phụ, cà chua, súp lơ, táo, nho, cam…
Tích cực luyện tập thể dục thể thao, mỗi người nên thường xuyên vận động, tự xây dựng cho mình một chế độ luyện tập hàng ngày như chạy bộ, đi bộ, bơi lội hoặc tham gia các loại hình khác như: Erobic, tập thể hình, yoga… để nâng cao sức khỏe.
Không hút thuốc, tránh xa khói thuốc. Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư phổi ở cả nam giới và nữ giới. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi, vòm miệng, họng, thanh quản, thực quản, thận, bàng quang, tá tràng, tử cung, dạ dày, ruột già và hậu môn, gan...
Bên cạnh đó cần kiểm soát cân nặng, tránh béo phì. Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2...và đặc biệt là một số loại ung thư bao gồm: ung thư vú, đại trực tràng, thực quản, tuyến tiền liệt. Vì vậy, nhận thức đúng về tác hại của béo phì và mối liên quan giữa béo phì với bệnh ung thư có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát ung thư.
Tránh xa rượu bia. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng theo số lượng rượu bia, thời gian uống và sự thường xuyên khi uống. Uống rượu bia gây ra ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại tràng. Bia, rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Nếu bạn hút thuốc lá khi uống rượu bia sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do rượu bia gây ra.
Tránh tiếp xúc với các tia bức xạ có hại. Bức xạ từ các thiết bị điện tử không gây ra ung thư trực tiếp nhưng có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, tránh tiếp xúc nhiều với bức xạ tử, chỉ nên thực hiện các loại xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Tránh tiếp xúc với các hóa chất nông nghiệp và công nghiệp. Các loại chất thải, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp; các loại khí đốt, khói bụi và phụ gia hóa học trong sản xuất công nghiệp không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây nguy hại cho sức khỏe của con người.
Ngủ đủ giấc. Không có minh chứng mối quan hệ giữa chất lượng giấc ngủ và bệnh ung thư, nhưng các chuyên gia khẳng định một giấc ngủ khỏe mạnh giúp sức đề kháng của cơ thể được nâng cao và tránh béo phì – một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổ biến.
Thực hiện tầm soát ung thư tổng quát định kỳ. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học giúp giảm các nguy cơ khi tầm soát ung thư, các bác sĩ chuyên môn khuyến nghị mỗi người nên thực hiện tầm soát ung thư định kỳ. Đặc biệt là với những nhóm người có nguy cơ bị ung thư cao: người hút thuốc lá, người bị các bệnh mạn tính, người có người thân bị ung thư, người béo phì…
Ngoài ra, người dân cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng được các bệnh mà khi mắc rất dễ tiến triển thành ung thư như: tiêm phòng viêm gan vi rút B, HPV...
Thanh Tú