Sau đại dịch COVID-19, ngành Y tế Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Y tế cùng sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động, ngành Y tế Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Đó là những điều kiện quan trọng để ngành Y tế Đồng Nai nỗ lực xây dựng nền y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
BS.CKII Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhấn mạnh, dù khó đến đâu cũng phải làm, làm từng bước.
BS.CKII Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Y tế.
PV: Xin ông cho biết, thời gian qua các bệnh viện trong tỉnh đã làm chủ được những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nào trong khám, chữa bệnh?
BS.CKII Lê Quang Trung: Các bệnh viện tuyến tỉnh đã và đang khẳng định được vị thế của mình khi làm chủ được nhiều kỹ thuật cao mà trước đây chỉ có thể thực hiện tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Nổi bật trong số đó là kỹ thuật mổ tim nội soi, mổ tim hở, các kỹ thuật điều trị các bệnh lý tim mạch tại các bệnh viện: ĐK Đồng Nai, Thống Nhất, ĐKKV Long Khánh.
Ngoài ra, công tác điều trị bệnh đột quỵ cũng được nhiều bệnh viện triển khai đạt kết quả tốt. Trong đó, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã đạt tiêu chuẩn Kim Cương – tiêu chuẩn cao nhất do Hội Đột quỵ Thế giới trao tặng. Bệnh viện ĐKKV Long Khánh được công nhận tiêu chuẩn Bạch Kim; Bệnh viện ĐK Thống Nhất và Bệnh viện Đại học Y Dược Shingmark cũng xuất sắc đạt tiêu chuẩn Vàng. Tất cả đã góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bị đột quỵ.
Đặc biệt, Đồng Nai tự hào là một trong những tỉnh tiên phong trong việc áp dụng mô hình điều trị ung thư đa mô thức, bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Sau TP.HCM, Đồng Nai là tỉnh duy nhất đã trang bị đầy đủ một “combo” điều trị ung thư toàn diện. Điều này thực sự là niềm tự hào của ngành Y tế Đồng Nai.
Hòa chung xu hướng của toàn thế giới, Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới như nội soi, giảm thiểu xâm lấn và sử dụng trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh trong tỉnh.
Hội đột quỵ Thế giới trao chứng nhận kim cương trong điều trị đột quỵ cho Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
PV: Các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện đã “chia lửa” với các bệnh viện tuyến tỉnh ra sao, thưa ông?
BS.CKII Lê Quang Trung: Ở tuyến huyện, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh của nhiều đơn vị. Phải kể đến như Trung tâm Y tế các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; các BVĐK Long Khánh và Định Quán. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh mà còn tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân địa phương trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao như chạy thận nhân tạo, can thiệp tim mạch, điều trị đột quỵ, phẫu thuật nội soi…
Đối với các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã đạt được những bước tiến mới trong việc làm chủ các kỹ thuật hồi sức. Gần đây, một trường hợp khẩn cấp do bị sét đánh và ngưng tim đã được điều trị thành công tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy. Kết quả là bệnh nhi đã hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì. Điều này minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ và sự phát triển của ngành Y tế Đồng Nai.
PV: Công tác chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào khám, chữa bệnh được ngành Y tế triển khai như thế nào thưa ông?
BS.CKII Lê Quang Trung: Đến nay, chúng ta đã triển khai thành công Bệnh án điện tử tại Bệnh viện ĐKKV Long Khánh. Hệ thống bệnh án điện tử này đã tích hợp đầy đủ các phân hệ như HIS, LIS, PACS.
Trong đó, HIS là hệ thống quản lý bệnh viện, gồm quản lý thông tin bệnh nhân, lịch sử bệnh án, quản lý việc khám chữa bệnh nội và ngoại trú, dược, tài chính, viện phí, trang thiết bị vật tư y tế, nhân sự; LIS là hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm, giúp các phòng khám, bệnh viện quản lý các hoạt động xét nghiệm và có thể theo dõi tình hình hoạt động của phòng xét nghiệm từ xa, trả kết quả xét nghiệm qua mạng LAN, Internet, Web, SMS, Email, App…); PACS là hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa, quản lý công tác lưu trữ, truyền và nhận hình ảnh trên mạng thông tin máy tính của Khoa Chẩn đoán hình ảnh hoặc của bệnh viện. Sự kết hợp này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý mà còn tạo nên một mô hình khép kín hoàn hảo trong việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, ngành Y tế đang tích cực hợp tác với các đơn vị cung cấp các dịch vụ hiện đại như: Kiosk thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng AI vào chẩn đoán hình ảnh...
Mới đây, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã triển khai thanh toán viện phí bằng mã QR code động. Đây là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh triển khai hình thức thanh toán này. Qua đó, tạo thuận lợi trong công tác thanh toán viện phí, giảm thời gian chờ đợi và các sự cố liên quan đến chi trả bằng tiền mặt cho cả bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.
Ngoài ra, nhiều bệnh viện trong tỉnh cũng đã triển khai các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, lấy số thứ tự tự động, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh…
PV: Việc ứng dụng CNTT và AI trong lĩnh vực y tế mang lại nhiều lợi ích to lớn cho bệnh viện, bác sĩ cũng như người dân, phải không thưa ông?
BS.CKII Lê Quang Trung: Đúng vậy, việc ứng dụng CNTT và AI cho phép nhà quản lý có cái nhìn tổng quát hơn về toàn ngành y tế. Từ mô hình bệnh tật đến xu hướng bệnh tật trong tương lai, giúp chúng ta đưa ra những phương án, quyết định chính xác và kịp thời hơn.
Đối với các bệnh viện, lợi ích là vô cùng rõ ràng. Ứng dụng CNTT đã giảm tải công việc hành chính cho đội ngũ nhân viên y tế. Điển hình là tại Bệnh viện ĐKKV Long Khánh, khi bệnh án điện tử đi vào hoạt động, nhân viên y tế không phải tốn kém nhiều thời gian, công sức để ghi chép bệnh án, từ đó dành nhiều thời gian hơn vào việc chăm sóc bệnh nhân, giảm sai sót trong quá trình thực hiện y lệnh của bác sĩ…
Ngành Y tế cũng đang triển khai thí điểm ứng dụng AI tại Bệnh viện ĐKKV Long Khánh. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, nên mới chỉ áp dụng phần mềm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi. Nếu dự án này thành công sẽ mở rộng quy mô trên toàn tỉnh.
Như vậy, sự hỗ trợ từ CNTT và AI sẽ mang lại độ chính xác cao trong chẩn đoán, đồng thời giúp giảm tải cho đội ngũ nhân viên y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
PV: Để đạt được thành công trong chuyển đổi số y tế, vấn đề kinh phí đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xin ông có thể chia sẻ thêm về khía cạnh này?
BS.CKII Lê Quang Trung: Đầu tư kinh phí cho CNTT trong y tế thực sự là một bài toán nan giải. Trước tiên, chúng ta vẫn chưa xác định rõ mô hình nào là tối ưu nhất. Vấn đề kinh phí luôn là một thách thức lớn trong lĩnh vực CNTT, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thường rất cao. Hơn nữa, hiện tại chúng ta vẫn chưa thiết lập được cơ chế thu viện phí hợp lý để bù đắp cho chi phí ứng dụng CNTT. Đối với bệnh án điện tử, chi phí đầu tư có thể dao động từ 10 tỷ đồng/năm/đơn vị, thậm chí lên tới 30-40 tỷ đồng, tùy theo quy mô. Chưa kể đến các chi phí liên quan đến trang thiết bị như máy tính bảng, hệ thống dẫn truyền, các khoản chi cho bảo trì và bảo dưỡng… Đây thực sự là một gánh nặng lớn trong quá trình triển khai các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế.
PV: Vậy ngành Y tế có những giải pháp gì để đạt được các mục tiêu đề ra, thưa ông?
BS.CKII Lê Quang Trung: Mặc dù gặp nhiều trở ngại, chúng ta vẫn cần kiên trì thực hiện từng bước. Ngành Y tế đang tập trung thực hiện 5 dự án chuyển đổi số, trong đó nổi bật nhất là dự án trang thiết bị đầu cuối. Đề án Hội chẩn từ xa cũng đang được triển khai dựa trên nền tảng sẵn có và dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2025. Đề án thứ ba và thứ tư liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Y tế. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu không chỉ phục vụ cho công tác quản lý của ngành Y tế mà còn hỗ trợ cho toàn bộ hệ thống chính quyền và Bộ Y tế.
Đối với dự án Bệnh án điện tử, sau Bệnh viện ĐKKV Long Khánh sẽ tập trung đầu tư cho 4 đơn vị là Bệnh viện ĐK Đồng Nai, Bệnh viện ĐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Trung tâm Y tế Cẩm Mỹ.
Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo, cùng với sự quyết tâm cao của ngành y tế và sự đồng lòng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng ngành Y tế Đồng Nai sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)