Tuổi vị thành niên (VTN) (10-19 tuổi) là thời kỳ phát triển đặc biệt của mỗi con người, trong đó xảy ra đồng thời những biến đổi nhanh chóng cả về thể chất, tâm thần. Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển thể chất trong giai đoạn này thì gia đình và xã hội cũng cần chăm sóc tốt chức khỏe tâm thần để trẻ VTN có thể phát triển toàn diện.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần (SKTT) là trạng thái khỏe mạnh mà ở đó cá nhân tự nhận thức được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với những căng thẳng trong cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và tạo ra những đóng góp cho cộng đồng.
Ngày nay, các vấn đề sức khỏe tâm thần đang có xu hướng gia tăng đặc biệt là ở vị thành niên. Theo WHO cứ trong 7 trẻ vị thành niên độ tuổi 10 - 19 có 1 trẻ mắc một vấn đề SKTT nào đó (14%) và gây ra 13% gánh nặng bệnh tật của nhóm tuổi này. Khoảng 20% trẻ vị thành niên có thể khởi phát các vấn đề SKTT ở bất kỳ độ tuổi nào của giai đoạn này.
Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch và Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm phối hợp tổ chức buổi sinh hoạt nâng cao kiến thức về sức khoẻ giới tính cho các em học sinh tại trường.
Tổng quan các bằng chứng về SKTT ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ hiện mắc các vấn đề SKTT nói chung đối với trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam dao động từ 8% đến 29%. Các vấn đề SKTT phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, đơn độc) và vấn đề hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý). Những rối loạn về cảm xúc khá phổ biến trong nhóm tuổi vị thành niên, có khoảng 3,6% trẻ ở độ tuổi 10-14 và 4,6% trẻ 15-19 tuổi có vấn đề về rối loạn lo âu. Đối với trầm cảm, 1,1% trẻ 1-14 tuổi và 2,8% trẻ 15-19 có dấu hiệu trầm cảm. Các vấn đề về hành vi (tăng động giảm chú ý, rối loạn về cư xử) phổ biến hơn trong nhóm tuổi nhỏ hơn.
Yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng tới SKTT của trẻ VTN
Các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng tới SKTT ở trẻ VTN có thể đến từ cá nhân, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.
Từ cá nhân, có thể do tính cách các em kém thích ứng, ít chia sẻ cảm xúc với ai, hay tự ti về ngoại hình (hình thể thấp bé, lo lắng về dấu hiệu dậy thì, đặc biệt là các em gái lo lắng về kinh nguyệt, thừa cân...), sử dụng nhiều các thiết bị điện tử,...
Tiền sử gia đình có vấn đề SKTT, gia đình hay xung đột, bạo lực (chứng kiến bạo lực, bị bạo lực gồm thể chất, tinh thần, tình dục), thiếu sự quan tâm hay quá nghiêm ngặt (đặc biệt liên quan đến thành tích học tập, các mối quan hệ tình cảm),… đều có thể làm tăng khả năng mắc các vấn đề SKTT ở trẻ VTN.
Từ trường học như môi trường học tập căng thẳng/áp lực cạnh tranh cao, bị bắt nạt (trực tiếp và trực tuyến/ qua mạng). Từ cộng đồng và xã hội như nghèo đói, hạn chế tiếp cận các cơ hội (việc làm/nghề nghiệp, giải trí...), các chuẩn mực có hại (thường phổ biến ở khu vực nông thôn miền núi như kết hôn sớm/tảo hôn dẫn đến thôi học),…cũng là các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới SKTT của trẻ VTN.
Biện pháp chăm sóc SKTT cho trẻ vị thành niên
Để có một SKTT khỏe mạnh, các em cần có một cơ thể khỏe mạnh, do đó cần chú trọng chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ. Đầu tiên là chế độ dinh dưỡng hợp lý theo độ tuổi. Một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý là có đầy đủ, cân đối giữa các nhóm dưỡng chất, bao gồm nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tiếp theo là luyện tập thể dục thể thao. Với trẻ vị thành niên, cơ thể đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Do vậy, chỉ có chăm chỉ luyện tập thể thao hằng ngày thì mới kích thích cơ thể phát triển và khỏe mạnh. Tập luyện thường xuyên cùng với cơ thể khỏe mạnh giúp các em cảm thấy tự tin, thoải mái hơn. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là chăm sóc giấc ngủ cho trẻ. Giữa giấc ngủ với trạng thái SKTT có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu ngủ không đủ giấc, mất ngủ sẽ có thể gây ra những vấn đề về SKTT như lo âu, trầm cảm, căng thẳng hoặc nó làm các vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn và ngược lại, nếu trẻ ngủ đủ giấc, có một giấc ngủ ngon sẽ tăng cường khả năng phục hồi cả về tâm thần, cảm xúc. Chính vì thế, để chăm sóc SKTT cho trẻ thì điều cần thiết là phải chăm sóc giấc ngủ tốt.
Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với trẻ mỗi ngày để biết trẻ đang gặp phải vấn đề gì và lưu tâm tới những thay đổi trong hành vi của trẻ dù là nhỏ nhất để có thể đưa ra những lời khuyên và giúp trẻ vượt qua những vấn đề của trẻ.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữ gia đình, nhà trường và xã hội cũng giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm thần ở trẻ. Chúng ta có thể phối hợp thực hiện các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống (giao tiếp, chia sẻ, từ chối, tự bảo vệ bản thân,…) cho trẻ.
Ngoài ra, cần quan tâm, phát hiện sớm khi trẻ có vấn đề về SKTT để có thể kịp thời can thiệp.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai