Sáng 11-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) và bệnh truyền nhiễm với các tỉnh thành phố, hội nghị do Cục trưởng Cục phòng bệnh Hoàng Minh Đức chủ trì.
Dự báo nguy cơ bùng phát SXH tại Việt Nam năm 2025
Theo Cục phòng bệnh, chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam đang có xu hướng ngắn lại, từ khoảng 5 năm xuống còn 3-4 năm trong những năm gần đây. Đợt dịch bùng phát gần nhất vào năm 2022 với 370 nghìn trường hợp mắc. Do đó, nguy cơ xảy ra đợt bùng phát dịch vào năm 2025 là rất lớn nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt ngay từ đầu mùa dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Sở Y tế Đồng Nai.
Tính đến tuần 23 năm 2025, cả nước ghi nhận tổng cộng 24.635 ca mắc SXH. Miền Nam hiện là khu vực có số mắc cao nhất, chiếm hơn 70% số ca mắc cả nước. Một số tỉnh ghi nhận số mắc tăng cao đáng kể so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có Đồng Nai (tăng 191,7%), Bến Tre (tăng 346,5%), Tây Ninh (tăng 274,3%), Long An (tăng 208,6%), và Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 151,4%). Theo nhận định, SXH đang đà gia tăng vì đang vào mùa mưa, số ca bệnh nặng cũng tăng.
Cũng theo Cục phòng bệnh, nguyên nhân gia tăng các ca bệnh truyền nhiễm là do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng liên tục xen lẫn mưa nhiều tại Việt Nam; Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang…là những môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng phát triển, gây khó khăn trong việc kiểm soát triệt để.
Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch
Ngày 20-6, Bộ Y tế ban hành kế hoạch Hành động cao điểm phòng, chống bệnh SXH, tay chân miệng và COVID-19 với mục đích: Chủ động triển khai các hoạt động để tăng cường sự tham gia của chính quyền và xã hội trong việc chủ động, sẵn sàng phòng, chống bệnh SXH, tay chân miệng và COVID-19.
Theo đó, kế hoạch đã nêu những hoạt động cần được chú trọng triển khai như đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp trên nhiều kênh thông tin từ truyền thông đại chúng đến mạng xã hội (Zalo, Facebook, Fanpage)…, đồng thời chú trọng giám sát, xử lý thông tin sai lệch, tin giả, bảo đảm luồng thông tin chính thống, minh bạch và thống nhất. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch cũng phải triển khai một cách sát sao từ giám sát ca bệnh, ổ dịch.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tập trung tăng cường công tác truyền thông; chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trong các tháng cao điểm cuối năm; xây dựng duy trì đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích trong phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên; tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với loại bỏ loăng quăng, bọ gậy tại các khu vực ổ dịch không để dịch bùng phát, lây lan; đảm bảo đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch…
Mặc dù vắc xin phòng SXH đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng từ năm 2024, nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn đòi hỏi sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị để đạt hiệu quả bền vững.
Tại Đồng Nai, theo báo cáo của CDC tỉnh, số ca mắc SXH tăng cao và vượt đường cong chuẩn tại 4 khu vực: Tân Phú, Định Quán, Long Thành, Thống Nhất và đã ghi nhận 1 ca tử vong (tại xã Đồng Phú). CDC nhận định, tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường so với mọi năm, hiện đang là mùa mưa. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống SXH. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch SXH tại các địa phương trong tỉnh là rất lớn.
Kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục phòng bệnh Hoàng Minh Đức đề nghị các Viện khu vực phối hợp hỗ trợ các đơn vị sáp nhập. Đối với công tác chuyên môn, những địa phương có số ca mắc cao cần giám sát chặt chẽ công tác phun hóa chất diện rộng, chiến dịch diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường…hạn chế thấp nhất các dịch bệnh bùng phát.
Mai Liên