Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện ĐKKV Định Quán, tỉnh Đồng Nai đang điều trị 46 bệnh nhân Sốt xuất huyết (SXH). Theo các bác sĩ, số ca mắc SXH đang có xu hướng gia tăng nhanh trong mùa mưa, đặc biệt từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 7-2025.
Mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca SXH
Theo BS.CKI Phan Quang Huy - chuyên khoa Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện ĐKKV Định Quán cho biết, hiện khoa đang điều trị 46 bệnh nhân SXH. Ngoài ra có thêm 01 bệnh nhân thủy đậu và 01 bệnh nhân tay chân miệng. Số ca SXH bắt đầu tăng mạnh từ tháng 6-2025, với hơn 180 ca được tiếp nhận điều trị, trong khi các tháng đầu năm chỉ ghi nhận rải rác từ 30-40 ca/tháng. Riêng từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày tiếp nhận trung bình 46-50 ca SXH, có ngày cao điểm lên tới khoảng 70 ca.

Bác sĩ Bệnh viện ĐKKV Định Quán thăm khám cho bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện.
“Đa số bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, đau bụng, nôn ói. Một số trường hợp những ngày đầu chỉ sốt nhẹ và điều trị tại nhà. Khi xuất hiện đau bụng, nôn ói, mệt nhiều thì mới đến bệnh viện. Thậm chí, có một số bệnh nhân đã tự truyền dịch tại nhà hoặc cố chịu đựng nên khi nhập viện bệnh đã tiến triển nặng. Tuy nhiên, số ca nặng trong khoa không nhiều, chỉ có một vài trường hợp phải chuyển Khoa Hồi sức hoặc chuyển viện” – BS Huy nói thêm.
Đang nằm điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện ĐKKV Định Quán, bà Thái Thị Chưởng (ngụ xã Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi bị sốt 2-3 ngày đầu, đi khám thì bác sĩ bảo tiểu cầu thấp. Đến lần khám sau, bác sĩ nói tôi phải nhập viện do bị sốt xuất huyết. Lúc đó người tôi sây sẩm, mệt nhiều. Vào viện, bác sĩ đo huyết áp, xét nghiệm máu, cho uống thuốc. Tôi chưa từng bị sốt xuất huyết lần nào nên lúc đầu cứ nghĩ chỉ là sốt bình thường”.
Theo bà Chưởng, trong khu dân cư nơi bà sinh sống, bệnh SXH đang lan rộng: “Có nhiều người bị lắm, có nhà cả 3 anh em đều mắc bệnh. Ở xã cũng có vào xịt thuốc phòng chống sốt xuất huyết cho cả khu tôi ở”.
Không nên chủ quan, tự ý điều trị tại nhà
Theo BS Huy, có trường hợp bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ 5 kể từ khi khởi phát sốt, với biểu hiện chảy máu chân răng - một trong những dấu hiệu cảnh báo của SXH. Trước đó, bệnh nhân đã khám tại tuyến dưới và được phát hiện tiểu cầu giảm. “Khi bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết kèm tiểu cầu thấp, chúng tôi tiến hành theo dõi sát, kiểm tra sức khỏe mỗi 3-4 giờ, xét nghiệm máu hằng ngày để kịp thời phát hiện chuyển nặng. Điều trị chủ yếu là tăng cường dinh dưỡng, theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo hoặc trở nặng để xử trí kịp thời. Hiện bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại khoa.
Trước thực tế nhiều bệnh nhân SXH điều trị muộn hoặc tự ý truyền dịch tại nhà, BS.CKI Phan Quang Huy khuyến cáo: “Trong mùa mưa, bệnh SXH gia tăng mạnh. Một số người dân còn chủ quan khi bị sốt, không đi xét nghiệm máu, tự ý điều trị tại nhà dẫn đến nguy cơ bệnh trở nặng. Do đó, khi bị sốt, người dân nên đi xét nghiệm máu để xác định có phải mắc bệnh SXH hay không, để được điều trị phù hợp, không nên tự ý truyền dịch tại nhà. Khi phát hiện trường hợp SXH, cần báo cho Trung tâm Y tế địa phương để được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh SXH”.
Thu Hảo