Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương trong tỉnh Đồng Nai, nhất là khi thời tiết bước vào giai đoạn mưa nhiều, nóng ẩm – điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển và lây lan. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Số ca mắc tay chân miệng tăng cao
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 11 đến hết ngày 17-7-2025, toàn tỉnh ghi nhận 304 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 67,03% so với tuần trước (182 ca) và tăng 77,78% so với tuần cùng kỳ 2024 (171 ca). Đáng chú ý dịch bệnh tăng tại 16/22 khu vực.

BS.CKI Cao Thị Minh Hạnh - Khoa Nhi, Trung tâm Y tế khu vực Chơn Thành kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây ra, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, nước bọt, dịch tiết mũi họng hoặc tiếp xúc trực tiếp với bóng nước trên da. Trong điều kiện thời tiết ẩm, nóng và trẻ nhỏ tập trung tại trường lớp, nguy cơ lây lan càng cao.
Theo BS.CKI Cao Thị Minh Hạnh - Khoa Nhi, Trung tâm Y tế khu vực Chơn Thành, thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng. Điển hình như bệnh nhi Ô.D.P.T. nhập viện trong tình trạng có nhiều bóng nước ở lòng bàn tay, chân, gối, viêm họng, niêm mạc miệng loét, được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Sau 5 ngày điều trị ở trung tâm, sức khỏe của bệnh nhi ổn và bác sĩ cho xuất viện.
BS.CKI La Văn Dầu - Giám đốc CDC Đồng Nai khuyến cáo, hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi; giữ gìn vệ sinh nhà cửa. Đặc biệt, các trường học mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh cần thực hiện vệ sinh lớp học, đồ chơi, khuôn viên sạch sẽ; tổ chức tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên và học sinh trong việc phòng, chống bệnh tay chân miệng.
“Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, giật mình, quấy khóc dai dẳng, ngủ li bì, nôn ói nhiều hoặc thở mệt. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời” - BS La Văn Dầu lưu ý thêm.
Các trường học cần tích cực phòng bệnh tay chân miệng
Để khống chế mối nguy hại của bệnh truyền nhiễm tay chân miệng, ngay từ đầu năm UBND tỉnh, Sở Y tế, CDC Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng chống tay chân miệng ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Do đó, các trung tâm y tế khu vực đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể từ xã, phường tăng cường tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân, trường học, nhất là những bậc cha mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cung cấp cloramin B, các dụng cụ y tế thiết yếu về bệnh tay chân miệng để phòng chống hiệu quả nhất.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Huệ rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để phòng bệnh.
Trường học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, là môi trường thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm tay chân miệng xuất hiện và lây lan nếu không được kiểm soát tốt. Tại Trường Mầm non Hoa Huệ (phường Bình Phước, tỉnh Đồng Nai), công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và các bệnh theo mùa luôn được nhà trường quan tâm thực hiện.
Cô Trần Thị Yến Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường thường xuyên tuyên truyền đến phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có con dưới 5 tuổi, thông qua các hình thức như pa-nô, áp-phích, bảng thông báo nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa bệnh tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm theo mùa.
Song song với đó, công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, các cô giáo thực hiện lau chùi, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi, lớp học và khuôn viên trường bằng dung dịch cloramin B; đảm bảo phòng học luôn sạch sẽ, thông thoáng.
Đối với trẻ, nhà trường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng theo đúng 6 bước trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Giáo viên thường xuyên theo dõi, quan sát biểu hiện của từng trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Trường hợp phát hiện trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc tay chân miệng, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh thực hiện cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ 5 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện sớm ca bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Bệnh tay chân miệng không phải là bệnh mới, nhưng chu kỳ bùng phát có thể diễn ra theo mùa, đặc biệt vào mùa hè - thu. Do đó, nhà trường, phụ huynh và ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ để phát hiện sớm, xử lý kịp thời và chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Xuân Hiệp