Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong cao điểm mùa mưa; dù các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền, ngành y tế và toàn thể cộng đồng.
Tình hình dịch đáng lo ngại
Theo CDC Đồng Nai, từ đầu năm 2025 đến ngày 17-7, toàn tỉnh ghi nhận 7.555 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1 ca tử vong (xã Đồng Phú). Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH gia tăng đó là người dân vẫn còn thờ ơ trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Điển hình như qua giám sát tại nhà riêng và dãy trọ của ông Nguyễn Hoàng Phương (ấp 9, xã Trảng Bom) ghi nhận có nhiều lăng quăng ở các chậu cây cảnh, hồ cá, vật dụng, rác thải xung quanh nhà. “Tại dãy trọ của tôi chưa ghi nhận trường hợp nào mắc sốt xuất huyết, chỉ mới nghe ở dãy trên, còn lăng quăng ở các chậu cây cảnh, hồ nuôi cá là do chưa kịp thả cá vào” – ông Phương lý giải.

Nhiều vật dụng rác thải có lăng quăng tại một dãy trọ ở xã Trảng Bom. Ảnh: Mai Liên
Anh Trần Mạnh Hùng, Trưởng ấp 9, xã Trảng Bom cho biết cứ cuối tuần anh cùng các thành viên chi bộ ấp (các tổ trưởng) tới các khu trọ nhắc nhở chủ nhà. “Nhà trọ này mới nhắc ít hôm, chủ trọ gật đầu hứa hẹn nhưng sáng sớm lại lên rẫy, chiều tối mới về, trong nhà chỉ còn người già không xử trí được. Cả chi bộ ấp chỉ có mấy thành viên, trong khi cả ấp hơn 3.000 dãy trọ nên chúng tôi nỗ lực hết sức để bà con cùng diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, nhưng thú thiệt là vận động không xuể” - anh Hùng chia sẻ.
Theo các trung tâm y tế khu vực (TTYTKV), công tác phòng chống dịch SXH còn một số khó khăn khư thiếu hóa chất, máy móc để triển khai phun hóa chất diện rộng; ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn còn ỷ lại vào ngành Y tế, chưa chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, ở những khu nhà trọ công nhân, điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Người dân chủ động lật úp những dụng cụ chứa nước không cần thiết để hạn chế lăng quăng sinh sống và phát triển. Ảnh: Mai Liên
ThS.BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho hay, Đồng Nai hiện có đủ các loại bệnh truyền nhiễm đang lưu hành. Trong đó, bệnh SXH không khu trú ở Cẩm Mỹ, Long Khánh như các năm trước mà đang trải dài ở tất cả các địa phương trong tỉnh, tăng khá cao so với năm 2024. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch bệnh, đề nghị phải có sự phối hợp liên ngành thật tốt giữa các TTYTKV, trạm y tế với ngành công an, ngành giáo dục trong quản lý đối tượng như lúc thực hiện các chiến dịch lớn như tiêm chủng COVID-19 hay chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi năm 2024.
Hành động ngay, không chờ dịch bùng phát
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Paster TP. Hồ Chí Minh, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp thì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Theo những bằng chứng về mặt y khoa, một trong những nguy cơ lây lan SXH trong cộng đồng là từ những người mắc bệnh không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm thông thường, đây chính là phần chìm của dịch SXH - là mầm mống, nguồn lây trong cộng động.
Bên cạnh đó, ngoài chiến dịch hưởng ứng ngày 15-6 về phòng chống SXH, ngành y tế cần chủ động tổ chức liên tục nhiều đợt truyền thông trong năm. Huy động các ban ngành, lồng ghép nội dung phòng chống dịch cho các đối tượng công chức, viên chức, học sinh để họ trở thành tuyên truyền viên tại hộ gia đình, cộng đồng, với thông điệp đơn giản như diệt lăng quăng, thả cá vào hồ cảnh, dọn vệ sinh môi trường. Đối với những khu công nghiệp có đông nhà trọ thì phải phối hợp với chủ nhà trọ, đối với đồng bào có đạo thì chú trọng vào những người có uy tín trong cộng động…. Vận dụng tất cả các kênh trong cộng đồng để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông thay đổi hành vi cho người dân.
Ngành Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm, tổ chức điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý triệt để và hậu kiểm việc phun hóa chất, kiểm soát véc tơ truyền bệnh; chỉ khi mật độ lăng quăng, muỗi giảm thì tình hình dịch sốt xuất huyết mới được kiểm soát hiệu quả.
Đối với công tác giám sát ca bệnh, đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân phải thực hiện báo cáo ca bệnh lên phần mềm để không bỏ sót ca bệnh, phối hợp chặt chẽ với khối dự phòng để làm tốt công tác điều tra ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.
ThS.BS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai giao CDC Đồng Nai chủ động về kinh phí, trình Sở Y tế sớm để triển khai các biện pháp phòng dịch. Tiếp tục rà soát những khu vực nào có nguy cơ dịch cao thì ngay lập tức triển khai phòng dịch.
Đối với hệ điều trị, các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân có kết quả phải báo cáo số liệu ca bệnh lên hệ thống. “Nếu cơ sở nào không nghiêm túc thực hiện, Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Với các Trạm Y tế, nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Các bệnh viện lớn hỗ trợ công tác chẩn đoán điều trị cho các cơ sở yếu hơn nhằm hạn chế việc chuyển viện lên tuyến trên” - ThS.BS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Mai Liên