Truyền thông dân số là công tác quan trọng, quyết định cho việc thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), góp phần nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã rất quan tâm đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện chính sách dân số.
Dân số Đồng Nai hiện đang có khoảng 3,2 triệu người, với 36 dân tộc đang sinh sống. Với một địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống nên công tác truyền thông dân số không thể thực hiện một cách rập khuôn, mà việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cần được đẩy mạnh tới toàn dân với các hình thức đa dạng, phù hợp nhóm đối tượng. Khi người dân đã hiểu, thực hiện chính sách dân số, mô hình gia đình ít con để nâng cao chất lượng cuộc sống chính là hiện thực hóa mục tiêu chính sách dân số.
Chia sẻ về công tác dân số tại xã Mã Đà, chị Bạch Thị Hải Vân, Phó Trưởng trạm, phụ trách Trạm Y tế xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu)cho biết, Mã Đà là một xã rừng núi, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, nằm dọc theo ven hồ thủy điện Trị An và nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết dân cư khắp các tỉnh thành của cả nước đến định cư và sinh sống, tỉ lệ người dân tộc chiếm 3% (gồm các dân tộc như thổ, Tày, Mường, khơ me, nùng …và việt kiều Cămpuchia) với nhiều tôn giáo khác nhau. Sự khác nhau về tôn giáo, dân tộc, phong tục tập quán, trình độ văn hóa,… gây khó khăn không nhỏ trong quá trình tuyên truyền vận động, giáo dục sức khỏe.
TTYT huyện Nhơn Trạch tổ chức truyền thông về giới tính cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện.
Hiểu rõ được sự khác biệt dân số trên địa bàn, Trạm xác định chỉ có người dân bản địa sinh sống hàng ngày mới hiểu và truyền thông một cách chính xác nhất những vấn đề dân số, chính vì vậy trạm đã đẩy mạnh chương trình cộng tác viên tuyên truyền vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để giảm tỷ lệ sinh. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền giáo dục, làm thay đổi hành vi để đẩy mạnh hoạt động tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, nhất là bệnh tật và tử vong có liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, Trạm cũng tuyên truyền phổ biến đầy đủ các kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như: đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não…để người cao tuổi tự phòng bệnh. Trang bị cho đôi nam - nữ chuẩn bị kết hôn những kiến thức và các quy định trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) hiện nay và phòng tránh hệ lụy của MCBGTKS tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Phối hợp với Đài phát thanh xã truyền thông về công tác dân số trên hệ thống loa truyền thanh xã.
Nhờ thực hiện tốt hoạt động truyền thông nên công tác dân số kế hoạch hóa gia đình tại xã Mã Đà có sự chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn dưới 1%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn giảm hơn so với các năm trước.
Tại huyện Nhơn Trạch, CN. Trần Thị Thu Hồng - Trưởng Phòng Dân Số, Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn về dân số cho hơn 3,1 nghìn lượt người, cấp phát 712 cuốn Bản tin Dân số - phát triển và 7 nghìn tờ rơi tuyên truyền về công tác dân số. Không chỉ chú trọng truyền thông cho các hộ gia đình, Trung tâm còn phối hợp với các trường phổ thông trung học trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện tư vấn về chăm sóc SKSS, các vấn đề giới tính. Trung tâm cũng sử dụng mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống đến cộng tác viên cũng như người dân trên không gian mạng để tương tác, lan tỏa đến đông đảo người dân…
BS.CKI Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị truyền thông về công tác dân. Bên cạnh đó thường xuyên cập nhập và đăng tải tin tức về dân số và phát triển lên trang Facebook, Zalo của Chi cục với những nội dung về: mức sinh thấp; Sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; các nội dung về công tác dân số và phát triển… Kết quả trong 9 tháng đầu năm đã có 203 tin bài/592 lượt tương tác/16 lượt chia sẻ. Phân phối hơn 7,5 ngàn cuốn Bản tin Dân số & phát triển cho các ban, ngành cấp tỉnh, 11 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và 170 Trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Tổ chức 161 buổi tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin cho hơn 5,5 ngàn người tham dự.
Tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh đưa nội dung dân số và phát triển, đặc biệt là nội dung kiểm soát MCBGTKS vào chương trình giảng dạy của trường; Phối hợp với Sở Giáo dục thực hiện mô hình lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại 74 trường… Duy trì hoạt động của các câu lạc bộ về giới tính khi sinh, Câu lạc bộ người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh với các nội dung về tâm sinh lý, chăm sóc sức khỏe của NCT; phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở NCT…
Thời gian tới Chi cục sẽ đề xuất mô hình truyền thông “hai chiều”: Mô hình này giúp đối tượng truyền thông được tương tác với truyền thông viên, hai bên hiểu và trao đổi, thuận lợi cho những nội dung truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông viên có thể “cầm tay chỉ việc”. Và "Mô hình truyền thông truyền thống": Thông qua đài phát thanh truyền hình, loa phát thanh xã phát thanh bằng tiếng dân tộc hoặc xây dựng tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc cho từng nhóm dân tộc thiểu số.
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông dân số và các hoạt động về dân số - kế hoạch hóa gia đình, Đồng Nai đã thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 9 tháng năm 2023 là 0,51%. Mức sinh thay thế năm 2022 là 1,87 con/mẹ. Đồng Nai đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
Thanh Tú