Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh như viêm thanh quản, viêm phế quản, nặng sẽ bị viêm màng não.
Hiện tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca mắc và tử vong, theo báo cáo của CDC, tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc sởi cộng dồn trên địa bàn tỉnh là hơn 3.500 ca và đã ghi nhận 02 ca tử vong do bệnh sởi tại TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom.
Bệnh sởi có thể nhanh chóng phát triển thành dịch.
Đối với những trẻ chớm mắc sởi, bố mẹ có thể tiến hành chăm sóc trẻ ngay tại nhà.
Chăm sóc trẻ bị sởi
– Cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người.
– Để trẻ nằm trong buồng thoáng khí, đủ ánh sáng.
– Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ.
– Vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió.
– Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 9% hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.
– Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giầu vitamin đặc biệt là vitamin A.
– Cho trẻ uống đủ nước, ORS hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cho trẻ bú nhiều hơn, chú ý bù đủ nước và điện giải.
– Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao.
– Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu bệnh nặng để được khám và điều trị kịp thời.
Một số dấu hiệu nặng của bệnh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế
- Trẻ mệt, li bì hoặc kích thích, bú kém, bỏ bú.
- Trẻ co giật, rối loạn ý thức, nôn tất cả mọi thứ.
- Trẻ sốt cao liên tục hoặc giai đoạn phát ban toàn thân mà còn sốt cao.
- Trẻ khó thở, thở rít, thở rút lõm lồng ngực…
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương