Tiêu chảy cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gặp nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, khi trẻ bị bệnh phải theo dõi kỹ và đưa đi khám kịp thời, nhằm tránh các biến chứng nặng.
Theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ
Theo BS.CKI Mạc Quốc Dũng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, gần đây số trẻ đến khám, nhập viện do tiêu chảy cấp khá nhiều, trong đó số trẻ phải nhập viện 20-30 trẻ. Trẻ nhập viện với các triệu chứng ói nhiều, đau bụng, đi tiêu lỏng, ăn uống không được, nhiều trẻ nặng thì mất nước nặng, hạ đường huyết.
Đang chăm cháu ngoại Đặng Ngọc Y. (18 tháng tuổi, tạm trú TP. Biên Hòa) tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bà ngoại của bé Y. cho hay, khi thấy cháu ói, kèm đau bụng bà vội đưa bé vào viện khám. Kết quả bé bị nhiễm trùng đường ruột phải nhập viện điều trị. “Bé bị nhẹ và đưa vào viện khám kịp thời nên nhanh khỏe hơn. Bác sĩ bảo theo dõi thêm vài ngày ổn là có thể ra viện” – bà ngoại bé nói.
Theo BS Dũng, trường hợp của bé Y. do được vô viện sớm, được truyền dịch bù điện giải, uống men vi sinh, kẽm nên tình trạng bé giảm các triệu chứng, chỉ cần theo dõi nếu ổn, bé có thể ra viện sớm.
BS.CKI Mạc Quốc Dũng thăm khám cho trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
“Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều trẻ do cha mẹ theo dõi ở nhà chưa kỹ, bé ăn uống kém, bé ói liên tục, dẫn đến mất nước nặng, hạ đường huyết, co giật phải nhập viện cấp cứu. Đối với những trường hợp này các bác sĩ phải sử dụng thuốc chống co giật, truyền đường khỏi hạ đường huyết, thông đường thở cho bé. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu như: ói, đau bụng, đi phân lỏng, nhác ăn… phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời” – BS Dũng nói.
BS Dũng cho hay, theo nghiên cứu trên 50% viêm dạ dày ruột cấp, nhiễm trùng đường ruột… là do vi rút Rota. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 2 tuổi và độ tuổi trẻ dễ bị nặng nhất là dưới 12 tháng tuổi. Bệnh tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân - miệng, nếu không vệ sinh sạch sẽ rất dễ bị lây nhiễm.
Cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa
Theo BS Dũng, để phòng ngừa tiêu chảy cấp, phụ huynh phải vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, ăn uống đảm bảo, ăn chín, uống chín, vệ sinh dụng cụ đồ chơi cho bé bằng xà phòng, thực phẩm đảm bảo an toàn hợp vệ sinh, thực phẩm chín và sống phải bảo quản và phải để riêng. Đối với người thường xuyên chăm sóc trẻ em, cần rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn hoặc bú sữa, rửa tay sau khi thay tã cho trẻ, sau khi đi vệ sinh và ngay sau khi bị dây bẩn. Đối với bé đang bú mẹ, phải vệ sinh bình sữa và đồ ăn dặm sạch sẽ. Đặc biệt khi trong nhà có bé bị tiêu chảy cấp phải thực hiện vệ sinh, chế biến thức ăn kỹ hơn, tránh lây sang cho trẻ khác cũng như những người trong nhà.
Hiện nay, theo nghiên cứu trên 50% viêm dạ dày ruột cấp, nhiễm trùng đường ruột… là do vi rút Rota. Bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách cho trẻ uống vắc xin Rota, tuy nhiên vẫn có nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến điều này, dẫn đến nhiều trẻ nhập viện với các triệu chứng nặng và điều trị lâu hơn so với những trẻ đã được uống vắc xin Rota. Đặc biệt, là trẻ dưới 12 tháng tuổi do sức đề kháng kém, trẻ dễ bị mất nước nặng, hạ đường huyết, theo đó khi trẻ nhỏ đủ 6 tuần tuổi phụ huynh hãy đưa trẻ đi uống vắc xin Rota để phòng bệnh.
Cũng theo BS Dũng, khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh không nên kiêng cữ chế độ ăn của trẻ. Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế chất xơ, dầu mỡ gây khó tiêu, vẫn cho trẻ uống sữa công thức đúng lứa tuổi. Bù nước và điện giải cân bằng lượng nước bé mất đi, giúp bé nhanh khỏe.
Sao Mai