Bệnh mộng thịt ở mắt là tình trạng trong mắt có một mảng màu hồng trắng, hoặc hồng nhạt xuất phát từ góc mắt và có thể lan đến che phủ giác mạc, con ngươi, làm ảnh hưởng đến thị lực.
ThS.BS Phạm Ngọc Hạnh, Khoa Mắt Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai chia sẻ: Mộng mắt (mộng thịt) là sự tăng sinh các tế bào kết mạc tạo thành vùng mô hình cánh hoặc tam giác nhô lên phần lòng trắng của mắt. Bệnh phát triển từ khóe mắt, sau đó lan ra bên ngoài hoặc hướng đến giác mạc. Mộng thịt có thể ảnh hưởng đến 1 hoặc 2 mắt, nhưng thường không xảy ra đồng thời. Mộng thịt khiến mắt cộm, xốn, đỏ và chảy nước mắt, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Mộng thịt được phân thành 4 cấp độ tùy theo vị trí của mộng thịt trên mắt. Độ 1: Mộng thịt lan đến rìa của giác mạc; Độ 2: Mộng thịt lan đến giữa rìa giác mạc và bờ đồng tử; Độ 3: Mộng thịt xâm lấn đến bờ đồng tử; Độ 4: Mộng thịt xâm lấn và bao phủ qua đồng tử.
Bệnh mộng thịt thường gặp ở những người phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoặc ở ngoài trời quá lâu và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt, tuy nhiên ít gặp trường hợp mộng thịt hai mắt.
Khi bị mộng thịt, người bệnh sẽ có những dấu hiệu như: Trong mắt xuất hiện phần thịt màu hồng bất thường hơi nhô lên; Mắt đỏ hoặc sưng tấy; Khô, ngứa, nóng trong mắt; Cảm giác như có cát hoặc sạn trong mắt; Chảy nhiều nước mắt.
Bệnh nhân thăm khám mộng thịt ở mắt tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ.
Bệnh mộng thịt ảnh hưởng đến thị lực của mắt, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn sử dụng các thuốc như thuốc mỡ, nước mắt nhân tạo. Tuy nhiên, cần lưu ý, lạm dụng thuốc nhỏ mắt có thể gây co mạch. Trường hợp mộng thịt ở mắt phát triển, xâm lấn vào giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ mộng.
“Phẫu thuật là phương pháp giúp làm giảm tỷ lệ tái phát bệnh. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ mộng như: Cắt mộng đơn thuần hoặc di chuyển hướng đi của mộng; Cắt mộng có ghép kết mạc hoặc giác mạc lớp; Cắt mộng có kết hợp áp thuốc chống chuyển hóa, đồng thời kết hợp các biện pháp điều trị bổ sung khác như chiếu tia laser, tia X, dùng thuốc chống chuyển hóa...”,- BS Hạnh chia sẻ.
Mộng thịt không thể phòng tránh, tuy nhiên duy trì thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị mộng thịt như: Đeo kính râm mỗi ngày kể cả khi thời tiết u ám; Đội mũ rộng vành bảo vệ mắt khỏi tia UV; Nếu phải làm những công việc ở ngoài trời nhiều, hãy cho mắt nghỉ ngơi trong bóng râm sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; sử dụng nước mắt nhân tạo để cấp thêm ẩm cho mắt; Tránh bụi, gió, khói và phấn hoa; Đối với người đã phẫu thuật mộng thịt, cần hạn chế tiếp xúc với tia cực tím để giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Mai Chi