Khi nhiễm COVID-19, người dân có trách nhiệm khai báo y tế đầy đủ, trung thực. Thế nhưng, hiện nhiều người tiêm đủ mũi vắc xin đã chủ quan khi lơ là, coi thường việc khai báo y tế, hoặc khai báo thiếu trung thực, dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác kiểm soát, dập dịch.
Trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày tỉnh Đồng Nai có khoảng hơn 3.000 ca nhiễm COVID-19 mới, số ca bệnh nặng và tử vọng giảm sâu, tỷ lệ tiêm vắc xin đủ liều cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 100%. Tuy nhiên đây cũng chính là vấn đề khiến người dân thờ ơ và xem nhẹ việc khai báo y tế.
Anh P.M.H. ngụ phường Tân Phong, Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, anh bị lây COVID-19 tại công ty nhưng không có triệu chứng nên anh vẫn đi làm và sinh hoạt bình thường, sau đó do không cách ly nên anh lây nhiễm cho vợ và 2 con của mình. “Do đợt dịch trước bùng phát nên vợ tôi phải nghỉ việc và đến nay vẫn chưa đi làm lại, nếu lần này tôi khai báo y tế phải cách ly ở nhà thì kinh tế gia đình sẽ gặp khó khăn, với lại đợt này khai báo y tế đâu quan trọng lắm, nếu có đau đầu sổ mũi thì ra ngoài tiệm thuốc tây mua cho nhanh. Ở công ty tôi đa phần những người bị nhiễm mà không có triệu chứng họ vẫn đi làm bình thường, trừ những người bị nặng phải nhập viện họ mới nghỉ”, anh H. nói.
BS.CKI Phăn Văn Phúc - Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho biết, dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng người dân không nên chủ quan, khi bị F0 người dân cần phải thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Y tế đề ra như khai báo y tế, cách ly an toàn..., nếu F0 không khai báo sẽ gây hại cho bản thân F0, người thân và cả cộng đồng. Khai báo y tế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi có khai báo đầy đủ, trung thực, cơ quan chức năng mới có những biện pháp phòng chống lây lan, nhằm bảo vệ những người trong khu vực không an toàn; đồng thời, hướng dẫn cho người nhiễm cũng như những người trong gia đình biết cách để phòng tránh lây nhiễm.

Người dân khai báo y tế tại Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa.
Mặc dù hiện nay tỷ lệ người dân bị nhiễm COVID-19 đa phần là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và tự cách ly ở nhà, tuy nhiên khi khai báo y tế người dân được các quyền lợi như: nhanh chóng được đưa vào quản lý và chăm sóc cũng như can thiệp kịp thời khi trở nặng, nhanh chóng đưa lên tuyến trên. Được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế… Các F1 cũng được theo dõi, quản lý, bảo vệ, nhất là người già, người có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Theo quy định của Chính phủ tại điểm a, khoản 3, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Người có hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT, COVID-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Như vậy, người nhiễm COVID-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 117 với mức phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng.
Cũng theo bác sĩ Phúc, khai báo y tế không những là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của người dân. Đó là việc làm quan trọng giúp cho ngành Y tế địa phương kịp thời ứng phó khi xuất hiện những ổ dịch mới, hay những biến chủng mới; là kênh thông tin kịp thời, hiệu quả để cơ quan chức năng có thể đánh giá đầy đủ tình hình dịch bệnh ở nơi đó, nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả từ sớm, qua đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng và bùng phát.
Thanh Tú