Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark vừa nội soi phế quản gắp mảnh xương cá dẹt hình rẻ quạt, có kích thước 18 x 15 mm nằm trong phế quản của cụ ông N.V.N., (74 tuổi, ngụ tại TP. Biên Hòa) suốt gần 3 tuần nay.
Ngày 15-2, cụ ông đến bệnh viện khám bệnh vì ho kéo dài, 2 ngày trước đó có ho ra đàm vướng ít máu đỏ tươi và sốt về đêm.
Ban đầu bệnh nhân được chẩn đoán viêm thùy dưới phổi trái, nghi ngờ với lao phổi trên cơ địa đái tháo đường, tăng huyết áp.
Sau đó hình ảnh X-quang phổi quy ước giúp loại trừ lao phổi. Tuy nhiên có một nốt vôi hóa ở phế quản góc phải kích thước 2-3mm. Hỏi kỹ lại bệnh sử, bệnh nhân cho biết là có 1 lần bị sặc trong lúc ăn cơm cách đây gần 3 tuần. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi dị vật phế quản bỏ quên sau ăn sặc được đặt ra. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản thám sát và gắp dị vật là 1 mảnh xương cá dẹt, hình rẻ quạt kích thước 18x15 mm.
Hình ảnh mảnh xương cá được gắp ra trong phế quản của cụ ông.
TS.BS Nguyễn Thị Tố Như, chuyên gia Nội hô hấp của bệnh viện cho biết, sau khi hít dị vật vào đường thở, bệnh nhân thường bị: Hội chứng xâm nhập (ho sặc, khó thở, tím tái); khó thở thanh quản (thở hước, thở rít, do đường thở bị bít tắc); nếu dị vật không gây các triệu chứng trên hoặc chỉ thoáng qua, có thể khiến bệnh nhân không để ý, sau đó sẽ thở khò khè, khạc đàm mủ, ho ra máu hay viêm phổi tái đi tái lại, áp xe phổi.
"Dị vật đường thở bỏ quên lâu ngày có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi. Nó có thể gây tử vong hay để lại di chứng nặng nề. Vì nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương phổi thường gặp khi dị vật nằm lâu trong lòng phế quản, do đó điều quan trọng là cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt và can thiệp lấy dị vật. Triệu chứng dị vật bỏ quên trong đường thở không đặc hiệu, do đó khi bị sặc trong lúc ăn, uống người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám và xử lý kip thời" - TS.BS Như khuyến cáo.
Sao Mai