Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ không chỉ cung cấp cho trẻ những kháng thể chống lại một số bệnh tật, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh đầy đủ về thể lực cũng như trí tuệ sau này, còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện. Do đó, việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu rất quan trọng.

Nhiều lợi ích từ sữa mẹ

ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phương - Khoa Phụ sản, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, phù hợp nhất đối với trẻ mới sinh, vì có thành phần dinh dưỡng đầy đủ với tỷ lệ thích hợp, không một thứ sữa nào có thể thay thế và so sánh được. Sữa non đã có từ những ngày trước khi đẻ, số lượng tuy ít nhưng đủ cho trẻ mới sinh những ngày đầu tiên và rất phù hợp với bộ máy tiêu hoá còn non nớt của trẻ.

Nuôi con bằng sữa mẹ không tốn kém về tiền bạc, thời gian và rất vệ sinh. Nếu cho bú đúng thì có thể đủ sữa nuôi con, trong sáu tháng đầu không cần phải cho trẻ ăn thêm bất cứ thức ăn gì. Trẻ bú sữa mẹ sẽ chóng lớn, phát triển đầy đủ về thể lực cũng như trí tuệ sau này. Sữa mẹ còn cung cấp cho trẻ những kháng thể chống bệnh tật giúp trẻ khỏe mạnh, không hay bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp và nếu có bị nhiễm bệnh thì cũng nhẹ, dễ điều trị.

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể ngăn cản có thai trở lại sớm. Giữ gìn sức khỏe cho bà mẹ, giúp tránh băng huyết sau đẻ và các bệnh về buồng trứng và tử cung, giúp tăng cường tình cảm và gắn bó mẹ con.

Cần tăng cường cho con bú bằng sữa mẹ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh chống lại một số bệnh tật.

“Vì có nhiều lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ nên cho bé bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, vì sữa non đã có từ những tháng cuối của thai nghén. Trẻ cần bú sữa non đó, không được vắt bỏ đi (vì cho rằng sữa này không tốt). Các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ thích hợp với tiêu hoá của trẻ mới sinh, rất nhiều kháng thể chống bệnh tật có trong đó. Trẻ bú sớm, sữa sẽ về sớm, vú tiết sữa nhiều hơn, ít bị sưng đau và nhiễm khuẩn ở vú. Do động tác mút đầu vú của trẻ gây phản xạ lên tuyến yên làm tiết oxytocin, nên tử cung sẽ co chặt hơn, tránh được băng huyết sau đẻ. Vì vậy, các bà mẹ nên tăng cường cho con bú bằng sữa mẹ” – ThS.BS Phương nói.

Cho bé bú hoàn toàn đến 6 tháng sau sinh và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi, trong 6 tháng đầu sau đẻ sữa mẹ là thức ăn duy nhất cho trẻ. Không cho trẻ ăn thêm bất cứ loại sữa gì, ngay cả nước cũng không cần cho uống (nếu trẻ bú đủ thì nước uống thêm chỉ làm tăng gánh nặng cho thận, không tốt cho trẻ). Cho con bú theo nhu cầu, nghĩa là khi trẻ muốn ăn, không cần bú theo giờ giấc. Cho con bú ban ngày và cho bú cả ban đêm. Trẻ bú ban đêm càng giúp tăng lượng sữa của bà mẹ (do tăng lượng nội tiết kích thích sinh sữa của tuyến yên). Không cho ăn thêm bất cứ thức ăn nào kể cả nước hoa quả, nước cháo, nước cơm. 

Để có nguồn sữa mẹ dồi dào, đủ dinh dưỡng

Nhận thức được tầm quan trọng từ nguồn sữa mẹ, nên nhiều sản phụ sau sinh đã làm theo các khuyến cáo của các bác sĩ về chế độ nghỉ ngơi, ăn uống để đủ sữa cho con bú. Chị Phạm Thị Mai (37 tuổi, ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) cho hay, bé đầu của chị nay 6 tuổi, bé thứ 2 mới 1 tuổi. Sinh bé đầu do không có nhiều kinh nghiệm, nên khi bé sinh ra vừa bú sữa mẹ và uống sữa công thức. Đối với bé thứ 2, chị tham khảo trên mạng, bạn bè và được các bác sĩ tư vấn, sau khi sinh chị đã cho bé bú, nhờ đó mà sữa về sớm và nhiều, ngoài ra chị ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý nên sữa ngày càng nhiều. “Trong 6 tháng đầu tôi cho bé bú mẹ hoàn toàn. Nay bé đã được một tuổi tôi mới bắt đầu cho bé uống sữa ngoài và trong quá trình cho bé ăn dặm đa dạng các bữa ăn, trộm vía bé tăng cân, ít đau ốm” – chị Mai nói.    

Còn chị Hoàng Thị Hằng (28 tuổi, ở phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) vừa mới sinh em bé được 2 tháng tuổi. Chị Hằng chia sẻ: Trước khi mang bầu, trong quá trình có thai cả hai vợ chồng chị đã đi khám đều đặn theo đúng lịch của bác sĩ. Đặc biệt, được sự tư vấn của bác sĩ, sau sinh chị cho bé bú nên sữa cũng về nhanh. Ngoài ra, chị được chồng và mẹ chồng quan tâm, động viên, thường xuyên bồi bổ cho chị ăn giò heo hầm củ quả, ăn trái cây,uống thêm sữa nên sữa về nhiều. 

Theo ThS.BS Phương, để đảm bảo nguồn sữa được dồi dào và đủ dinh dưỡng, các bà mẹ cần ăn no, nhiều bữa, đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước (mỗi ngày khoảng 1,5 lít, nếu mùa hè ra nhiều mồ hôi cần uống nhiều hơn). Theo kinh nghiệm dân gian để có nhiều sữa, bà mẹ có thể ăn cơm nếp, cháo móng giò, nước sắc lá mít... Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để bà mẹ có nhiều sữa là phải cho con bú càng nhiều càng tốt, và cho bú đúng phương pháp (tư thế bú mẹ và ngậm bắt vú đúng). Cho bú nhiều sẽ kích thích mẹ tạo nhiều hóc môn prolactin để tạo sữa.

Đảm bảo giờ giấc nghỉ ngơi, ngủ 8 tiếng/ngày hoặc hơn. Cuộc sống gia dình hòa thuận, hạnh phúc, không phải lo lắng buồn phiền cũng góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn nguồn sữa mẹ. Nếu vú bị cương tức cũng vẫn cần cho con bú.

“Khi cho con bú, nếu sử dụng thuốc gì phải hỏi ý kiến bác sĩ, không nên tự động dùng thuốc, vì có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn sữa. Tuyệt đối không dùng bình sữa cho trẻ ăn và cho trẻ ngậm núm vú giả, vì dễ nhiễm khuẩn, trẻ sẽ bỏ bú mẹ. Không sử dụng các thực phẩm chức năng, các loại hạt ngũ cốc lợi sữa trên mạng không rõ nguồn gốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn sản phẩm đúng loại, phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé” – ThS.BS Phương khuyến cáo.

 Cơ sở y tế triển khai các hoạt động thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ 

Để hưởng ứng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, từ 1 đến 7/8 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ Nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản đề nghị các đơn vị triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở y tế như: Duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau sinh về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ. Thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; đảm bảo nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý cần được hỗ trợ để được tiếp cận với nguồn sữa mẹ. 

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố Phối hợp với Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động huyện, thành phố hướng dẫn các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai truyền thông cho các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi…

Sao Mai 

Share with friends

Bài liên quan

8 cách giúp phòng xơ vữa động mạch, ngăn ngừa đột quỵ
Hiệu quả của phương pháp Stapler trong cắt bao quy đầu
Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 15/10: Rửa tay bằng xà phòng vì sức khỏe của bạn và cộng đồng
Rửa tay bằng xà phòng vì sức khỏe của bạn và cộng đồng
Không chủ quan với bệnh lý sỏi mật
Để trẻ có đôi mắt khỏe mạnh
[Video] Điều trị rối loạn vận động: Lợi ích của việc tiêm Botulinum Toxin A
Những điều cần biết về bệnh Kawasaki
6 bệnh viêm màng não, viêm não thường gặp
Ngày An Toàn người bệnh Thế giới 17/9: Đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh
Các biện pháp tránh thai hiện đại giúp thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình
Các rối loạn về mắt do dùng thiết bị điện tử
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn bùng phát dịch sởi
3 loại vắc xin phụ nữ có thai nên tiêm
Cảnh giác bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng
Bệnh đau cổ vai gáy và cách phòng ngừa
[Video] Vì sao phải tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều?
[Video] Vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào?
Không chủ quan với bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ
Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN