Hen phế quản là một bệnh đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hen phế quản là một trong những bệnh mãn tính không lây nhiễm phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 260 triệu người và gây ra hơn 450.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, hầu hết trong số đó đều có thể phòng ngừa được.
Tại Việt Nam, bệnh hen phế quản ảnh hưởng đến khoảng 3,9% dân số, tương đương 4 triệu người mắc bệnh.
Triệu chứng điển hình của bệnh hen phế quản là thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, thường gọi là cơn hen. Các triệu chứng này thường xuất hiện về đêm, tái phát nhiều lần nhất là khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích.
Một số tác nhân gây kích thích cơn hen phế quản
Đây là các yếu tố làm khởi phát cơn hen bằng cách kích thích đường thở hoặc làm tình trạng viêm ở đường thở trở nên trầm trọng hơn. Các tác nhân kích thích cơn hen của mỗi người không giống nhau và mỗi người cũng khác nhau rất nhiều về mức độ phản ứng với các tác nhân.
Bệnh nhân hen phế quản đang xông khí dung tại Khoa Tổng hợp 2, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Một số tác nhân gây kích thích cơn hen phế quản gồm: nhiễm trùng đường hô hấp, thường là do vi rút gây ra (ví dụ như cảm lạnh hoặc cúm); thay đổi thời tiết; các chất gây dị ứng, phổ biến nhất là từ mạt bụi nhà, vật nuôi hoặc phấn hoa; tập thể dục, đặc biệt là trong thời tiết lạnh; cảm xúc, chẳng hạn như phấn khích, sợ hãi hoặc tức giận; chất gây ô nhiễm không khí và chất kích thích, chẳng hạn như khói, bụi; một số chất phụ gia thực phẩm, chẳng hạn như tartrazine (chất nhuộm màu nhân tạo) hoặc chất gây dị ứng thực phẩm, chẳng hạn như đậu phộng (những người nhạy cảm hoặc dị ứng có thể có phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng); một số người có thể bị dị ứng với một số loại thuốc (ví dụ như aspirin).
Phòng bệnh hen phế quản tái phát lúc giao mùa
Mùa mưa tại miền Nam trong đó có Đồng Nai thường diễn ra vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 là thời điểm giao mùa nắng – mưa, thời tiết sẽ có những thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm.
Sự thay đổi thời tiết này có thể kích thích trực tiếp lên đường hô hấp bị viêm ở người bị hen phế quản làm khởi phát triệu chứng hen.
Hơn nữa, khi thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, vi rút có hại phát triển và gây bệnh. Cơ thể con người cũng chưa kịp thích nghi, dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, vi rút,... Ở những người bệnh hen phế quản bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể dẫn đến cơn hen cấp.
Để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh hen phế quản tái phát lúc giao mùa, người mắc bệnh hen phế quản cần lưu ý những điều sau đây:
Tuân thủ điều trị: hen phế quản là bệnh cần theo dõi và điều trị thường xuyên. Tuân thủ điều trị giúp kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường, hạn chế cơn hen cấp. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều đã được bác sĩ chỉ định và tái khám đúng hẹn.
Tiêm vắc xin cúm hàng năm và tiêm vắc xin phế cầu giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
Rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Khi đi ra ngoài đường hay tới nơi tập trung đông người nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, bao gồm cả chăn, ga, gối đệm và quần áo thường xuyên nhằm loại bỏ các tác nhân kích thích cơn hen như bụi nhà, nấm mốc,…
Ngoài ra, cần thường xuyên luyện tập thể lực bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe; thực hành chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất; uống đủ nước,… để giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen.
BS.Hồ Thị Hồng