Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người phát hiện bị ung thư tuyến giáp, nhất là trong độ tuổi từ 30 - 40 tuổi. Theo thống kê, nữ giới mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 3 lần nam giới. Nhiều người khi đi khám phát hiện bệnh thường có tâm lý lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, đây là một trong những loại ung thư có khả năng chữa trị thành công nhất nếu phát hiện sớm.
Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh
Xuất hiện triệu chứng nuốt khó và đau khi nuốt kéo dài 1 tuần, chị Nguyễn Thị Thủy (41 tuổi,ngụ Xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) mới đến Bệnh viện ĐK Thống Nhất thăm khám. Sau khi siêu âm tuyến giáp, bác sĩ phát hiện có nhân giáp thùy trái kích thước 10mm và Tirads 5 (mức nguy cơ cao). Kết quả sinh thiết là ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện ĐK Thống Nhất phẫu thuật cắt toàn bộ thuỳ trái và eo giáp trạng, vét hạch cổ cùng bên. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ cũng đã khô.
ThS.BS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Khoa giải phẫu bệnh, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, tuyến giáp là một tuyến nội tiết, nằm ở vùng cổ trước, phía trước khí quản, có 2 thùy phải và trái, được nối với nhau bởi một eo tuyến giáp, tạo thành hình con bướm. Tuyến giáp đóng vai trò giải phóng các hormon T3, T4, giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể, ngoài ra nó còn tham gia vào quá trình phát triển của não bộ và xương.
Phẫu thuật để loại bỏ khối u ở giai đoạn sớm giúp điều trị hiệu quả ung thư tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp là quá trình tăng trưởng bất thường của tế bào tuyến giáp và không được kiểm soát, việc phát triển quá mức sẽ khiến tuyến giáp chèn ép các cơ quan chung quanh. Ung thư tuyến giáp có rất nhiều loại trong đó ung thư tuyến giáp dạng nhú chiếm khoảng trên 70% và ung thư tuyến giáp dạng nang, đây là 2 loại ung thư có khả năng điều trị khỏi. Với thể tủy thì thường sẽ di căn nhanh và rất khó điều trị. Ung thư tuyến giáp thường di căn đến hai nơi là hạch dùng, di căn đến xương bả vai, xương cánh chậu…
Dấu hiệu của bệnh thường bắt đầu bằng việc bị sưng cổ kèm theo có hạch dùng, cùng với việc nói khàn giọng, khó nuốt, khó thở là những triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó còn có một số triệu chứng ít gặp như bị chảy máu mũi, máu miệng, đau nhức xương, đối với phụ nữ sẽ rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, khô da, sụt cân không rõ nguyên nhân… và bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gồm tuổi càng lớn tỷ lệ mắc càng cao, tỷ lệ phụ nữ mắc cao hơn nam giới 3 lần, thiếu I ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày, người mắc bệnh tự miễn, gia đình có người mắc ung thư tuyến giáp, tiếp xúc với bức xạ….
Chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp
Theo bác sĩ Hải, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi mắc ung thư tuyến giáp người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, đánh giá và cho thực hiện các kĩ thuật cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh. Thường các bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu để khảo sát chức năng tuyến giáp, siêu âm, chụp CT, MRI… để xác định khối u và đánh giá mức độ bệnh, ở mỗi mức độ sẽ có tỷ lệ bao nhiêu % là bệnh nhân mắc ung thư…, nếu khối u có nguy cơ ung thư bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm sinh thiết, hiện có hai phương pháp sinh thiết gồm sinh thiết mỡ, và sinh tiết tế bào để chẩn đoán bệnh.
Ung thư tuyến giáp chia làm 4 giai đoạn, giai đoạn 1 kích thước khối u dưới 1 cm và còn giới hạn trong tuyến giáp, giai đoạn 2 kích thước từ 2 đến 4cm và vẫn nằm trong tuyến giáp, giai đoạn 3 kích thước lớn hơn 4cm và đã di căn ra đến hạch dùng và giai đoạn thứ 4 khối u đã di căn xa.
Bác sĩ Hải cho biết, ở giai đoạn 1 và 2 việc điều trị mang lại hiệu quả cao nhất, người bệnh hầu như sẽ được chữa khỏi hoàn toàn bởi vì khối u còn nhỏ và còn nằm một chỗ. Tùy mỗi giai đoạn mà có những phương pháp điều trị khác nhau, ở giai đoạn 1 và 2 bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ khối u kết hợp xạ trị bên trong để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại, với giai đoạn 3 và 4 tùy vào thể trạng sức khỏe để bác sĩ chỉ định phẫu thuật kết hợp xạ trị hoặc hóa trị. Ung thư tuyến giáp có thể điều trị thành công tới 80 đến 90% ở thể nhú và thể nang, tỷ lệ tái phát tùy vào giai đoạn, thể bệnh thì tỷ lệ sẽ khác nhau.
Sau phẫu thuật người bệnh cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống như: uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, ăn nhiều thức ăn giàu Protein, tránh thực phẩm cay nóng, a xít. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để cơ thể được phục hồi, đồng thời tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm đánh giá hiệu quả điều trị và khả năng tái phát bệnh sau mổ. Để phòng bệnh, người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế riệu bia, thuốc lá và kiểm soát cân nặng, tăng cường tập thể dục.
Ung thư tuyến giáp có thể chữa trị được tùy giai đoạn và loại ung thư, độ tuổi khi phát hiện ung thư. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tầm soát phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời. Nếu được phát hiện sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%. |
Hoàn Lê