Uống rượu có tác động lâu dài đến sức khỏe và có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và tử vong sớm. Tác động của việc uống rượu đối với sức khỏe được xác định bởi tổng lượng rượu tiêu thụ.
Trên thế giới, mỗi năm có 3 triệu ca tử vong do sử dụng rượu ở mức có hại. Rượu là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật, chấn thương và các tình trạng sức khỏe khác. Dưới đây là những tác hại của rượu với cơ thể do Viện nghiên cứu quốc gia về Lạm dụng và Nghiện rượu Mỹ chỉ ra:
1. Não và hệ thần kinh
Một số người có thể uống rượu để thư giãn hoặc giúp đối phó với những căng thẳng hàng ngày, tuy nhiên, rượu có thể gây lo lắng và tăng căng thẳng. Rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, đồng thời góp phần phát triển hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần hiện có theo thời gian.
Uống rượu quá nhiều sẽ làm hỏng hệ thống thần kinh gây ra bệnh thần kinh. Nghiện rượu nặng có thể gây tổn thương não vĩnh viễn và mất trí nhớ. Uống quá nhiều có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong. Ngoài ra, do rượu ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của não nên có thể làm suy giảm khả năng phán đoán, sự tập trung và trí nhớ.
Uống rượu quá nhiều có thể gây ra bệnh thần kinh.
2. Xương và cơ
Rượu ảnh hưởng đến sự phối hợp và làm tăng khả năng chấn thương. Sử dụng rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến teo và yếu cơ, loãng xương (xương mỏng đi) và gãy xương.
3. Mắt
Uống quá nhiều có thể gây mờ mắt. Sử dụng rượu mãn tính có thể gây ra sự thiếu hụt vitamin B1, có thể dẫn đến cử động mắt nhanh không chủ ý, yếu hoặc tê liệt cơ mắt.
4. Tim mạch
Hệ thống tim mạch bị ảnh hưởng bởi rượu. Tại thời điểm uống, rượu có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời.
Về lâu dài, uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến nhịp tim tăng liên tục, huyết áp cao, cơ tim yếu và nhịp tim không đều. Tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ do rượu.
5. Hệ thống miễn dịch
Uống quá nhiều có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cơ thể khó chống lại bệnh tật hoặc nhiễm trùng hơn. Những người uống rượu mãn tính có nhiều khả năng mắc các bệnh như viêm phổi, bệnh lao...
6. Thận
Thận lọc máu, loại bỏ chất thải và chịu trách nhiệm tái hấp thu nước. Rượu là một chất lợi tiểu, vì vậy nó làm cơ thể mất nước, có thể dẫn đến tình trạng mất nước.
7. Gan
Công việc của gan là phá vỡ các chất độc hại, bao gồm cả rượu. Uống nhiều rượu có hại cho gan. Khi gan hoạt động không hiệu quả, các chất độc hại vẫn còn trong cơ thể, có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan (viêm gan do rượu), xơ hóa và xơ gan...
8. Miệng
Miệng và cổ họng tiếp xúc với rượu ngay sau khi uống. Rượu nhanh chóng đi vào nước bọt trong miệng và trong khoảng 30 phút sau khi uống. Từ nước bọt, acetaldehyde và rượu dễ dàng tiếp cận và làm hỏng các mô trong miệng. Lạm dụng rượu có thể làm hỏng tuyến nước bọt, kích ứng miệng và lưỡi, dẫn đến bệnh nướu răng, sâu răng và thậm chí mất răng. Uống quá nhiều còn gây nói lắp.
9. Tuyến tụy
Tuyến tụy giúp tiêu hóa thức ăn và điều hòa quá trình trao đổi chất. Rượu khiến tuyến tụy sản xuất các chất độc hại cản trở các chức năng này dẫn đến viêm tụy (một chứng viêm nguy hiểm ở tuyến tụy), ngăn cản quá trình tiêu hóa bình thường và là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư tuyến tụy.
Uống nhiều rượu có hại cho gan, thận và tuỵ.
10. Sức khỏe tình dục
Sử dụng rượu nặng mãn tính có thể dẫn đến rối loạn chức năng cương dương ở nam giới và vô sinh ở nam và nữ. Uống rượu quá mức cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và thai chết lưu ở phụ nữ.
11. Dạ dày
Rượu có thể tàn phá hệ thống tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc sản xuất axit dạ dày. Các tế bào niêm mạc trong niêm mạc dạ dày bảo vệ thành dạ dày khỏi bị hư hại do axit và các enzym tiêu hóa. Một lần uống nhiều rượu có thể làm hỏng các tế bào niêm mạc trong dạ dày, đồng thời gây viêm và tổn thương.
Rượu có thể làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, dẫn đến sự phân hủy thức ăn của vi khuẩn và gây khó chịu ở bụng. Uống nhiều rượu gây loét, viêm dạ dày (viêm niêm mạc dạ dày), trào ngược axit và ợ nóng.
12. Ung thư
Rượu và chất chuyển hóa của nó (sản phẩm phân hủy) acetaldehyde đều được phân loại là chất gây ung thư 'Nhóm 1' (tác nhân gây ung thư). Đây là mức đánh giá chất gây ung thư cao nhất, ngang với khói thuốc lá và amiăng. Nguy cơ phát triển ung thư do rượu tăng theo lượng rượu tiêu thụ.
Sử dụng rượu mạn tính có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiều dạng ung thư, bao gồm ung thư miệng, thực quản, cổ họng, gan, tuyến tụy, vú và ruột kết...
Rượu ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết mình đang uống bao nhiêu và hiểu về những rủi ro, tác hại của rượu gây ra cho cơ thể.
Minh Anh
Nguồn: Sức khoẻ và Đời sống