Ngày 29-11 vừa qua, TTUT-BS.CKII. Nguyễn Văn Truyện, Khoa Ngoại - Sản - Liên chuyên khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng Laser điều trị sỏi kẹt ở niệu đạo rất hiếm gặp cho một nữ bệnh nhân.
Đó là trường hợp chị V.M.P, (48 tuổi, ở Đồng Nai), chị P. kể chị bị tiểu khó cách đó 3 hôm, khi đi vệ sinh sỏi lòi ra kẹt ở niệu đạo, chị P. sờ bằng tay cảm nhận được có vật cứng, nghi sỏi nhưng không đến bệnh viện do hoàn cảnh khó khăn. Những ngày đó chị ở nhà đi vệ sinh rất khó khăn, phải dùng tay nắn sỏi qua bên để có thể đi vệ sinh được, vừa đi lâu lại thêm gắt, buốt, tiểu rỉ rỉ, rất khó chịu nên chị mới đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai thăm khám.
Qua thăm khám, TTUT-BS.CKII. Nguyễn Văn Truyện phát hiện chị P. bị sỏi lớn, kích thước 12 x 15 mm, ở vị trí niệu đạo gần miệng sáo, gây bít tắc đường ra của nước tiểu, do đó gây nên tình trạng tiểu khó, tiểu đau, tiểu rỉ rỉ, nhỏ giọt. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang bụng, chị P. được chẩn đoán sỏi kẹt niệu đạo và chỉ định phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng Laser. Khoảng 20 phút ca mổ thành công và sau khi hồi sức một đêm, chị P. đã ổn định, hết đau, tiểu được và đã xuất viện chỉ sau 1 ngày.
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng Laser điều trị sỏi kẹt ở niệu đạo cho bệnh nhân. Hình ảnh sỏi kẹt ở niệu đạo (ảnh nhỏ).
“Một số trường hợp trên thực tế, do sỏi nằm gần miệng sáo, nên một số bác sĩ không chuyên khoa hoặc chủ quan, thiếu kinh nghiệm, đã dùng kẹp bóp sỏi lấy cho được sỏi ra, vì cho rằng “dễ mà, không có vấn đề gì” đã vô tình làm tổn thương niệu đạo, gây hẹp niệu đạo về sau. Với phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng, niệu đạo của người bệnh không bị tổn thương, nên không bị biến chứng hẹp niệu đạo về sau. Nếu hẹp niệu đạo về sau rất khó điều trị, để lại nhiều di chứng, thường phải điều trị nhiều lần, thậm chí phải tạo hình niệu đạo mới giải quyết được” - BS Truyện nói.
Hình ảnh sỏi đã được tán ra ngoài.
Cũng theo TTUT-BS CKII. Nguyễn Văn Truyện, sỏi kẹt niệu đạo thường gặp ở nam giới vì niệu đạo nam dài khoảng 15cm lại có những chỗ hẹp tự nhiên, hẹp sinh lý (niệu đạo màng, ngay dưới niệu đạo tuyến tiền liệt, gần miệng sáo), gập góc ở góc bìu – dương vật nên nếu sỏi ở bàng quang, khi đào thải xuống niệu đạo ra ngoài có thể bị kẹt lại. Ở nữ giới, niệu đạo ngắn, thẳng đường, chỉ từ 3 – 5 cm nên sỏi chỉ kẹt lại khi sỏi có kích thước lớn như trường hợp của chị P.
Sỏi niệu đạo ở nữ là bệnh hiếm, ít xảy ra nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Khi bị sỏi niệu đạo người bệnh có các triệu chứng như: cảm giác đau ở vùng tầng sinh môn, bìu, tiểu khó, tiểu rỉ rỉ, có thể bị bí tiểu cấp tính. Ngoài ra, khi thăm khám, có thể sờ thấy sỏi ở niệu đạo dương vật, niệu đạo gần miệng sáo. Do đó, khi có các triệu chứng này người bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điệu trị kịp thời.
Mỹ Hậu