Thoái hóa khớp gối là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn khớp) bị hao mòn và mất dần đi. Đây là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi. Thoái hóa khớp gối tiến triển nặng có thể dẫn đến tàn tật. Hiện nay, phương pháp điều trị thoái hóa khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu mang lại hiệu quả, an toàn cao. Tại Đồng Nai có rất nhiều cơ sở triển khai điều trị bằng phương pháp này, trong đó có Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh.
Phương pháp an toàn, hiệu quả
BS.CKI Nguyễn Đức Chúc - Phó khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai cho biết, thoái hóa khớp gối trải qua 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Khi bệnh tiến triển nặng người bệnh bị đau nhức và hạn chế hoạt động khớp gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Điều trị thoái hóa khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet-rich Plasma – PRP) là phương pháp điều trị theo hướng bảo tồn khớp gối tự nhiên, được bác sĩ khuyến khích thực hiện đối với bệnh nhân thoái hóa khớp giai đoạn 2 và 3.
Theo BS Chúc, huyết tương giàu tiểu cầu là một loại huyết tương cô đặc được tạo ra từ máu tự thân của bệnh nhân sau khi được tách, loại bỏ hồng cầu, bạch cầu và làm tăng nồng độ tiểu cầu lên nhiều lần (2-8 lần) so với nồng độ tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi. Tiểu cầu với đặc tính đông máu, chứa các protein thúc đẩy sự phát triển các mô tế bào và tự chữa lành vết thương. Nhờ đó, khi PRP được tiêm vào chỗ đau, với lượng protein được tăng cường sẽ giúp thúc đẩy được nhanh chóng sự phát triển mô tế bào và tự chữa lành vết thương.
BS.CKI Nguyễn Đức Chúc - Phó khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai đang thực hiện tiêm PRP cho một bệnh nhân.
Phương pháp này có tính an toàn cao do lấy máu tự thân nên sẽ không gặp nguy cơ mắc các bệnh qua đường máu, không gây tương thích. Tận dụng khả năng chữa lành tự nhiên của cơ thể, tái tạo sụn khớp, tăng sản xuất dịch nhờn, giảm ma sát các khớp khi vận động. Được chứng nhận giúp tăng cường đáng kể quá trình chữa viêm khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp tối đa chỉ sau 2 -3 lần tiêm. Hiếm xảy ra các trường hợp xuất hiện các tác dụng phụ như nhiễm trùng, đau dây thần kinh và tổn thương mô. Được phát hiện có hiệu quả làm giảm nhu cầu sử dụng nhiều loại thuốc uống chống viêm, kể cả các loại thuốc mạnh hơn như opioid. Làm giảm dần sự tiến triển của bệnh theo các giai đoạn. Thời gian hồi phục chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày sau khi tiêm.
Quy trình điều trị thoái hóa khớp gối bằng PRP
BS Chúc cho biết, phương pháp thực hiện giống với cách lấy máu thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm và thực hiện trích xuất máu từ tĩnh mạch trên cánh tay người bệnh. Lượng máu có được sẽ tùy thuộc vào vị trí khớp bị thoái hóa mà có các dung tích khác nhau. Máu của người bệnh sau đó sẽ được xử lý trong một dạng thiết bị gọi là máy ly tâm. Máy ly tâm sẽ phân tách các thành phần máu thành các phần khác nhau theo tỷ trọng của từng loại tế bào có trong máu. Tiếp đến, các tiểu cầu sẽ tiếp tục được tách thành huyết thanh (gồm tiểu cầu và huyết tương). Các tế bào còn lại như hồng cầu và bạch cầu gần như bị loại bỏ. Huyết tương được lấy ra khỏi máy và các bác sĩ sẽ chuẩn bị các dụng cụ hỗ trợ để tiến hành tiêm cho bệnh nhân. Các bác sĩ một lần nữa sẽ sử dụng hình ảnh để xác định các khu vực cụ thể để tiêm. Khi đã tìm thấy vị trí cần tìm, huyết tương sẽ được tiêm một cách cẩn thận vào vùng bị ảnh hưởng. Liệu trình tiêm khớp sẽ thông qua kết quả đánh giá của bác sĩ dựa trên tình trạng của mỗi bệnh nhân.
BS Chúc lưu ý, đối với những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này, ít nhất năm ngày (tốt nhất là 2 tuần) trước khi tiêm PRP, người bệnh hãy ngừng thuốc uống chống viêm/chống sưng. Trong khoảng một tuần trước khi thực hiện, không nên sử dụng bất kỳ loại thảo mộc hoặc chất bổ sung nào khiến máu bị loãng. Từ một tháng đến 6 tuần trước khi làm thủ thuật, không dùng cortisone và các loại thuốc tiêm steroid. Vào ngày tiêm PRP, ăn đầy đủ, hạn chế ăn vặt và nhớ uống thật nhiều nước. Ngoài ra, bệnh nhân thường sẽ được khuyến khích tập thể dục vận động trước khi lấy máu vì có thể sẽ giúp làm tăng số lượng tiểu cầu trong máu.
Một liệu trình điều trị bằng phương pháp này thường cần tiêm khoảng 2 - 3 mũi, khoảng cách giữa các mũi tiêm là 3 - 4 tuần. Sau khi hoàn tất quy trình điều trị người bệnh có thể về nhà luôn và được hẹn lịch tái khám vào 3 - 4 tuần sau đó. Ngoài ra, nếu sau điều trị người bệnh có dấu hiệu như: vã mồ hôi, choáng váng, ho khan, khó thở, tức ngực, rối loạn cơ tròn, tăng cảm giác đau,... thì cần quay lại viện khám ngay. Tùy vào thể trạng và mức độ tổn thương mà thời gian hồi phục sau trị liệu tiêm huyết tương giàu tiểu cầu của từng bệnh nhân sẽ không giống nhau. Người bệnh sẽ thấy vùng trị liệu bị căng, sưng và đau hơn trong vài ngày sau điều trị nhưng nó sẽ tự hết mà không gây ra biểu hiện bất thường nào.
Hoàn Lê