Dự án “Mắt sáng cho cuộc đời” được triển khai tại Đồng Nai với mục tiêu giảm tỷ lệ suy giảm thị lực do tật khúc xạ không được điều trị của người dân, đặc biệt là trẻ em và những người yếu thế trong xã hội thông qua việc cung cấp dịch vụ khúc xạ, chăm sóc mắt toàn diện. Qua 3 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều kết quả, giúp cho hàng chục ngàn người dân được khám sàng lọc thị lực, xác định tật khúc xạ, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức các tật về mắt cho cộng đồng.
Nhiều kết quả đạt được
Dự án “Mắt sáng cho cuộc đời” được triển khai tại Đồng Nai từ 8-2019 đến 31-12-2022 trên cơ sở hợp tác giữa Sở Y tế Đồng Nai, Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Giáo dục Biên Hòa và Bệnh viện ĐK Đồng Nai dưới sự tài trợ của Công ty ON Semiconductor và Tổ chức Orbis với lĩnh vực can thiệp là tật khúc xạ và các bệnh mắt thường gặp, với tổng số kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả như: Xây dựng Đơn vị khúc xạ tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai; Hỗ trợ bệnh viện hoàn thiện các dịch vụ và tăng uy tín cho đơn vị trong công tác khám và sàng lọc các dị tật liên quan đến mắt. Tổ chức tập huấn chăm sóc mắt ban đầu cho 87 cán bộ, nhân viên y tế của 34 trường THCS (thuộc Phòng Giáo dục TP. Biên Hòa), 6 trạm y tế tại TP. Biên Hòa.
Dự án đã khám sàng lọc thị lực hơn 57 ngàn học sinh các trường THCS trên địa bàn TP. Biên Hòa. Qua công tác khám sàng lọc, dự án đã khám xác định tật khúc xạ cho 6.549 học sinh; kê 5.869 đơn kính và cấp 525 kính miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng tại Đơn vị khúc xạ (Bệnh viện ĐK Đồng Nai) có hơn 80 ngàn người tham gia khám, trong đó số người (bao gồm trẻ em và người lớn) được sàng lọc, xác định tật khúc xạ là hơn 74 ngàn người; Số kính được cấp miễn phí là 1.427 cái.
Khám tật khúc xạ cho học sinh ở trường THCS Võ Trường Toản (Tp. Biên Hòa).
Công tác truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi về mắt cũng được chú trọng triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức các trò chơi ngoại khóa tìm hiểu về bảo vệ mắt và tật khúc xạ cho học sinh; Sản xuất và treo 32 Pano tại các trường giúp tăng nhận thức về tật khúc xạ cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Tổ chức cuộc thi vẽ tìm hiểu về tật khúc xạ cho học sinh các trường THCS, kết quả có 29 tác phẩm tham dự. Ngoài ra dự án còn thực hiện thí điểm chuyển tuyến cho các học sinh có các bệnh về mắt cần can thiệp đến hệ thống phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Biên Hòa.
BS.CKII Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Sở Y tế chia sẻ, Dự án đã có những tác động rất lớn đối với cộng đồng, đó là dần nâng cao nhận thức các tật về mắt cho cộng đồng. “Đó không chỉ đơn thuần là việc đổi chỗ ngồi trong lớp học cho học sinh mà thầy cô giáo, cha mẹ học sinh sớm phát hiện ra những dị tật ở mắt cho con trẻ, để hỗ trợ công tác chăm sóc mắt nhằm hạn chế trẻ mắc các tật khúc xạ. Việc phát hiện hơn 19 ngàn học sinh nghi ngờ mắc tật khúc xạ (chiếm tỉ lệ 34%) là con số để các ngành giáo dục, y tế và các bậc phụ cần phải quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh”, ông Bình nói.
Cần phát huy tính bền vững sau khi Dự án kết thúc
Với sự hỗ trợ trong công tác tập huấn của dự án, nhiều giáo viên đã được trang bị những kiến thức trong việc phát hiện sớm các tật về mắt cho học sinh. Cô Nguyễn Mai Xuân Thảo - Chuyên viên Phòng GD & ĐT Biên Hòa chia sẻ: “Mong rằng thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để phát hiện các tật khúc xạ cho học sinh ở bậc tiểu học. Thực tế cho thấy tỉ lệ học sinh tiểu học mắc các tật khúc xạ ngày càng nhiều, nếu phát hiện được càng sớm thì việc theo dõi điều chỉnh cho các em sẽ tốt hơn”
Theo thầy Đặng Lâm Phái - Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Đa (TP Biên Hòa), việc nâng hiệu quả của Dự án trong thời gian tới là một quá trình lâu dài liên tục. Đây là trách nhiệm của các lực lượng xã hội cùng làm, chứ không riêng gì của ngành y tế hay ngành giáo dục để bảo vệ mắt cho các em. Ngoài nhân viên y tế trường học là lực lượng nòng cốt, ngành y tế cần hỗ trợ đào tạo tập huấn cho ngành giáo dục để nhiều giáo viên tại các trường tham gia, nhằm thêm nguồn nhân lực trong việc phát hiện các vấn đề về tật khúc xạ ở trẻ.
Một em học sinh bên tác phẩm dự thi vẽ tìm hiểu về tật khúc xạ.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình chia sẻ thêm, sau thời gian triển khai các hoạt động, Dự án đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra như đào tạo, tập huấn cho lực lượng y tế trường học và cán bộ giáo viên các trường trên địa bàn Tp. Biên Hòa. Để tiếp tục kế thừa những kết quả đó, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện ĐK Đồng Nai tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ y tế trường học trên địa bàn tỉnh; Vận động hệ thống y tế tư nhân thực hiện công tác xã hội hóa phối hợp với y tế công lập và ngành giáo dục tổ chức các buổi khám chuyên các bệnh về mắt cho học sinh các cấp trên địa bàn toàn tỉnh; Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về tật khúc xạ, các bệnh về mắt cho cộng đồng.
Mai Liên