TS.BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, tỉ lệ đột quỵ do hẹp động mạch cảnh chiếm từ 10 đến 20% các trường hợp đột quỵ não.
Theo đó, động mạch cảnh là các mạch máu chính cung cấp máu cho não, chia thành hai đoạn: Trong sọ và ngoài sọ. Hẹp động mạch cảnh thường được đề cập tới là “Hẹp động mạch cảnh ngoài sọ” (để phân biệt với hẹp động mạch cảnh trong sọ).
Bác sĩ đọc hình ảnh chụp sọ não bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
Hẹp động mạch cảnh được chia thành nhiều mức độ khác nhau, từ hẹp nhẹ đến hẹp nặng. Khi độ hẹp tăng lên, lưu lượng máu lên não giảm dần gây ra triệu chứng thiếu máu não tương ứng với mức độ hẹp. Biến chứng nặng nhất là đột quỵ thuyên tắc do vỡ mảng xơ vữa hoặc giảm lưu lượng máu não nghiêm trọng, gây ra tàn phế hoặc tử vong cho người bệnh. Bệnh có thể gặp ở người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… Vì thế, các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ và có những triệu chứng gợi ý thiếu máu não như xây xẩm, choáng váng, yếu nửa người thoáng qua nên đi kiểm tra để loại trừ nguyên nhân nguy hiểm này.
Siêu âm mạch cảnh là một phương pháp phổ biến, chi phí thấp, ít xâm lấn, có thể thực hiện được ở nhiều nơi và nhiều lần nên có thể được áp dụng rộng rãi để phát hiện sớm hẹp mạch cảnh, từ đó có thể giúp điều trị sớm, giảm nguy cơ đột quỵ não cho bệnh nhân.
Điều trị hẹp động mạch cảnh nặng (> 70%) có thể thực hiện bằng phẫu thuật hoặc can thiệp đặt stent, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ đánh giá và tư vấn phương pháp phù hợp nhất với mình.
Hoàn Lê