Ngày nay, lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức của người thầy thuốc vẫn còn nguyên giá trị; đặc biệt trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh vừa qua, thấm nhuần lời dặn dò ấy, lực lượng ngành y đã tận tâm, hết mình, xả thân vì người bệnh, chăm lo cho sức khỏe nhân dân.
Lời dặn của Bác còn nguyên giá trị
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng nền y học nước nhà và y đức của người thầy thuốc. Ngay trong những năm đầu sau khi nước ta giành được độc lập, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ ngành y tế. Trong bức thư, Người căn dặn thầy thuốc nước ta: “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là thầy thuốc phải như mẹ hiền; Người cũng dặn dò các cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Cũng từ đó, ngày 27/2 đã được lấy là ngày tôn vinh những người làm trong ngành Y tế.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng nền y học nước nhà và y đức của người thầy thuốc. Ảnh tư liệu.
Trong suốt những năm qua, những lời dặn dò của Bác luôn là kim chỉ nam, là thước đo cho mọi hoạt động của ngành y tế nói chung và đạo đức người thầy thuốc nói riêng. Trong chiến tranh, những chiến sỹ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến; biết bao người đã để lại một phần máu xương của mình vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đến giai đoạn đất nước hòa bình, các chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục học hỏi, rèn luyện không ngừng, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, kể cả đồng bào ở những miền núi cao hay nơi hải đảo xa xôi. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh như lời dặn dò của Bác.
Thời gian qua, ngành Y tế Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển, đạt nhiều thành tựu trong công tác khám chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với đội ngũ hùng hậu các Giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế từ Trung ương đến các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được kịp thời phát hiện, khống chế và đẩy lùi, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuất, công nghệ mới trong khám chữa bệnh được ứng dụng, thực hiện thành công, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân.
Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, y đức của người thầy thuốc lại được khẳng định mạnh mẽ, nhân thêm sự tin yêu của nhân dân với ngành Y tế. Rất nhiều câu chuyện xúc động được nhân lên, lan tỏa trong những ngày ngành Y cùng cả nước chiến đấu với dịch bệnh.
Hẳn không ai quên được những hình ảnh xúc động trong đợt dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng; khi trực tiếp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vào “cắm chốt” điều hành công tác chống dịch. Bức ảnh ông nắm chặt tay giơ lên thể hiện sự quyết tâm động viên với các cán bộ y tế bên trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng, cánh tay quyết tâm ấy chính là niềm tin vững chắc vào nỗ lực chiến thắng dịch bệnh. Tinh thần trách nhiệm còn ở những ngày dịch nóng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng chiến đấu cho đến khi hết dịch.
Tâm sự về thời điểm ấy, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của người thầy thuốc”.
Phát huy tinh thần ấy, khi đợt dịch thứ 3 tại tại Hải Dương, Quảng Ninh bùng lên, đến đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, từng đoàn quân áo trắng tiếp ứng cho “tiền tuyến” lại tiếp tục hăng hái lên đường, sẵn sàng hy sinh cái Tết đoàn viên, hi sinh cuộc sống riêng tư để ở lại cùng nhân dân các tỉnh chống dịch.
Khi dịch diễn biến phức tạp, khó kiểm soát với sự xuất hiện của chủng Delta nguy hiểm, lây lan mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngày 12/7/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã viết thư hiệu triệu toàn ngành sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch COVID-19. Ngay sau lời kêu gọi đó, hàng nghìn cán bộ y tế, các sinh viên ngành y đã cấp tốc tình nguyện lên đường chi viện hỗ trợ cho các “điểm nóng” dịch. Những ca trực không có giờ nghỉ, những phút gay cấn giành giật từng chút cơ hội để cứu sống người bệnh COVID-19, họ đã được tôn vinh như những người hùng, là lá chắn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Hình ảnh các “chiến sĩ áo trắng” xả thân trong dịch bệnh khiến họ đẹp hơn bao giờ hết trong lòng nhân dân. Những giọt mồ hôi của họ đã đổ xuống vì sự an toàn của cộng đồng, thầm lặng, chẳng đòi hỏi. Sự cống hiến đó là những nốt nhạc viết nên bản hùng ca tự hào của ngành Y tế.
Nhớ lại những ngày cùng TP Hồ Chí Minh chiến đấu chống dịch, TS.BS Lưu Quang Thùy, từng là Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” nơi tâm dịch, nhân viên y tế chúng tôi không ai xác định mình sẽ trở thành anh hùng hay hình tượng nào khác; mà với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, chúng tôi chỉ nghĩ mình phải có trách nhiệm trước bệnh tật, có tình thương với đồng bào, đồng nghiệp của mình. Trong khó khăn dịch bệnh, tôi nhận ra 4 chữ đồng rất quan trọng, đó là: Đồng lòng, đồng nghiệp, đồng đội, đồng bào… Là người thầy thuốc, chúng tôi cũng vì những điều này mà cùng nhau nỗ lực, hướng tới, hoàn thành trách nhiệm của mình”.
Nắm trong tay sứ mệnh vẻ vang
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong suốt thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực không mệt mỏi. Khi Đảng gọi, khi Tổ quốc cần, những chiến sĩ áo trắng với sứ mệnh vẻ vang đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, đã tận tâm, tận trí, tận lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch...
"Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, trong suốt những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng ngành y tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, ngành Y tế đã nỗ lực không mệt mỏi. Có những thành tựu vẻ vang nhưng cũng không ít khó khăn, vất vả, thậm chí có cả những tổn thất đầy đau xót. Hơn hai năm qua là khoảng thời gian thử thách đầy cam go đối với ngành Y tế và đội ngũ các thầy thuốc. Với 4 đợt dịch bùng phát, với sự xuất hiện của các biến chủng càng ngày càng nguy hiểm xảy ra trên quy mô, mức độ khác nhau đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với hệ thống y tế. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội, đội ngũ y tế là lực lượng nòng cốt trên tuyến đầu chống dịch cùng với đội ngũ quân đội, công an đã cơ bản kiểm soát được các đợt bùng phát dịch trên toàn quốc, đưa cả nước sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại các công ty trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy cam go, cùng với sự nỗ lực triển khai nhiều biện pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ; hàng chục nghìn thầy thuốc, y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên các trường y dược được điều động, chi viện các tâm dịch tại khu vực miền Nam; tuy nhiên điều này mới chỉ mới nói lên một phần công lao, sức lực của đội ngũ y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Đến nay, tuy dịch đang dần được kiểm soát, cuộc sống dần trở lại bình thường nhưng số ca bệnh vẫn còn nhiều, hàng trăm nghìn cán bộ y tế vẫn còn đang tiếp tục miệt mài ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu, đối diện với những hiểm nguy, mất mát về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng để quyết tâm chăm lo tốt nhất cho sức khỏe của nhân dân.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, thời gian qua, các chiến sĩ áo trắng với sứ mệnh vẻ vang chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết; ngành Y tế đã chủ động phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong tham mưu và thực hiện công tác phòng, chống dịch, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên trong những thành tựu không thể không tránh khỏi những “hạt sạn”; “con sâu làm rầu nồi canh” khi vừa qua đã có những sai phạm của một số cá nhân ngành y tế đã được đưa ra, làm rõ trách nhiệm. Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã làm xói mòn, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với ngành.
Các y bác sĩ Bệnh viện ĐK Thống Nhất - Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân trong khu điều trị COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua trong ngành Y tế rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của ngành, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới.
Theo đó, trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn, ngành Y tế, cũng hướng tới đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Đặc biệt, chú trọng nâng cao đạo đức ngành y thông qua việc giáo dục y đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ viên chức ngành y, nhất là lớp thầy thuốc trẻ. Cùng với đó là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế và trên hết là luôn thấm nhuần lời dặn của Bác: “Lương y như từ mẫu”.
TTXVN