Hỏi: Hỏi đáp về bệnh Tay chân miệng
Chào Bác sĩ! Hiện con em được 5 tuổi, ở độ tuổi này nguy cơ bị mắc bệnh Tay chân miệng có cao không? Nơi cháu sinh sống nếu không có bé nào bị nhiễm bệnh này thì có nguy cơ bị mắc bệnh không? Biểu hiện sớm nhất của bệnh này là gì? Em phải làm gì để bảo vệ con được tốt nhất ạ?
Xin cảm ơn bác sĩ!

Đáp:
Chào bạn! Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm. Như vậy, con bạn được 5 tuổi thuộc nhóm tuổi nguy cơ cao mắc bệnh tay chân miệng.

Hiện nay, đang là cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng.  Dịch tay chân miệng đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành. Đặc biệt, tại các trường học, trường mẫu giáo, mầm non. Tác nhân gây bệnh tay chân miệng đang lưu hành cao trong cộng đồng. Tỷ lệ những người mang vi rút nhưng không biểu hiện bệnh cũng rất cao. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút. Như vậy, mặc dù nơi cháu đang sinh sống có thể không phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng nhưng cháu vẫn có thể bị bệnh.

Biểu hiện sớm nhất của bệnh này là mệt mỏi, chán ăn, sốt, đau họng, sau đó có thể loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.

Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, để bảo vệ con bạn được tốt nhất cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau: 

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Ths.BS Trần Minh Hòa
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
 

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN