Rút ngắn thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh; giảm chi phí; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… là những lợi ích mà việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện ĐKKV Long Khánh mang lại.
“Khai tử” bệnh án giấy
Bác sĩ Bảo Phi, Trưởng phòng công nghệ thông tin Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cho biết, tháng 8-2019, bệnh viện là đơn vị đầu tiên được Sở Y tế chọn khởi động dự án bệnh án điện tử. Đến tháng 12-2019, bệnh viện chính thức triển khai bệnh án điện tử tại tất cả 17 khoa, phòng, đồng thời thực hiện lưu trữ thông tin khám, chữa bệnh của bệnh nhân trên cả hệ thống bệnh án giấy. Sau một thời gian triển khai bệnh án điện tử, cuối tháng 2-2020, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện bệnh án điện tử tại bệnh viện. Kết quả, bệnh viện đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, kết nối các phần mềm như hệ thống quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS)… để bệnh án điện tử hoạt động trơn tru, thuận lợi. Cho đến tháng 3-2020 Bệnh viện ĐKKV Long Khánh chính thức “khai tử” bệnh án giấy.
Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Long Khánh Phan Văn Huyên cho biết, ứng dụng bệnh án điện tử tại bệnh viện là một bước tiến mới. Để việc thực hiện được thuận lợi, trước khi triển khai bệnh viện đã đào tạo đội ngũ nhân lực, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Lãnh đạo Cục CNTT (Bộ Y tế), UBND tỉnh, Sở Y tế thăm phòng điều hành tập trung BAĐT tại bệnh viện ĐKKV Long Khánh.
Cụ thể, bệnh viện đã hoàn thiện các phần mềm gồm hệ thống quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm(LIS), hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS). Các hệ thống này đã kết nối và chạy tương đối đồng bộ. Ngoài ra, bệnh viện cũng tận dụng một phần dữ liệu của phần mềm quản lý bệnh viện đã ứng dụng từ nhiều năm nay để kết nối vào bệnh án điện tử, lưu nội dung của bệnh án giấy để chuyển sang. Từ đó đã tiết kiệm được nhiều công đoạn, giúp quá trình hoàn thành bệnh án điện tử nhanh hơn.
Bệnh viện đã phối hợp với Công ty cổ phần Infomed (đơn vị phối hợp thực hiện bệnh án điện tử) đã mở hơn 15 lớp đào tạo cơ bản, chuyên sâu cho hơn 700 cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên công nghệ thông tin trong bệnh viện biết cách thao tác, vận hành, sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; ngoài hệ thống máy tính sẵn có từ trước, bệnh viện còn trang bị 100 máy tính để bàn và 100 máy tính bảng cho các khoa phòng. Thiết kế xe đẩy gắn máy tính bảng để các điều dưỡng thuận tiện trong việc chăm sóc bệnh nhân. Hiện bệnh viện đã có phòng máy chủ, phòng điều hành tập trung, hệ thống công nghệ thông tin bài bản.
“Hiện nay các y, bác sĩ đã vận dụng bệnh án điện tử một cách trơn tru, tất cả các thao tác đều nhập trên máy, lưu trên hồ sơ bệnh án điện tử nên rất thuận tiện cho bác sĩ khi khám chữa bệnh, chứ không phải ngồi ghi chép vào bệnh án giấy như trước nữa” – bác sĩ Huyên cho hay.
Nhiều lợi ích mang lại
Khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh mỗi ngày có 40-50 bệnh nhân điều trị nội trú. Nếu như trước đây, khi chưa có bệnh án điện tử, hàng ngày các điều dưỡng trong khoa mất khá nhiều thời gian để ghi ghép thông tin, dán các phiếu cận sàng (phiếu xét nghiệm, chụp CT…) vào hồ sơ bệnh án giấy, chưa kể còn phải chạy đi chạy lại giữa các khoa và phòng lãnh đạo để trình ký các giấy tờ liên quan… Thì nay nhờ có bệnh án điện tử, công việc của các điều dưỡng trong khoa nhàn hơn rất nhiều, mọi công đoạn trên đều được xử lý trên hệ thống phần mềm bệnh án điện tử.
Bác sĩ khám bệnh và ghi chép thông tin bệnh nhân trên hệ thống bệnh án điện tử qua máy tính bảng, không còn cảnh "ôm" hồ sơ bệnh án giấy như trước.
“Trước đây, điều dưỡng tốn rất nhiều thời gian cho việc ghi chép thông tin vào bệnh án giấy, vừa phải chạy đi chạy lại giữa các khoa, phòng để xử lý các giấy tờ thủ tục liên quan. Hiện nay, có bệnh án điện tử đã giảm rất nhiều công đoạn, công việc cho người điều dưỡng, do đó điều dưỡng có nhiều thời gian tập trung chăm sóc cho bệnh nhân hơn. Ví dụ trước đây, khi bệnh nhân xuất viện chúng tôi phải ôm hồ sơ bệnh án giấy đến Phòng Kế hoạch tổng hợp, lãnh đạo bệnh viện… để ký, đóng mộc thì nay chúng tôi chỉ cần chuyển bệnh án điện tử của bệnh nhân đó trên máy vi tính hoặc máy tính bảng thông qua hệ thống phần mềm bệnh án điện tử cho các khoa phòng liên quan, trực lãnh đạo thì họ sẽ xem được toàn bộ bệnh án của bệnh nhân và thực hiện chữ ký số trên hệ thống, nên chúng tôi không phải đi lại trình ký, chờ đợi nữa. Hay ngày trước nếu có ca bệnh nào có bất thường muốn kiếm y chứng, chúng tôi phải leo lên kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy ở lầu 7, phải lục trong cả hàng ngàn hồ sơ để kiếm đúng bệnh án mình cần, rất mệt mỏi, tốn thời gian, công sức, thì nay có bệnh án điện tử chúng tôi chỉ cần nhập tên vào là bệnh án của bệnh nhân đó sẽ hiện ra”– bà Lê Phan Bích Tuyền, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu cho biết.
Còn BS.CKI Nguyễn Quốc Thành, Trưởng Khoa nội thần kinh cho biết: “Khi chưa có bệnh án điện tử, mỗi lần đi khám bệnh chúng tôi phải đẩy nguyên cái xe có khoảng 50 hồ sơ bệnh án giấy của bệnh nhân đi theo, còn giờ chúng tôi chỉ cầm cái Ipad, đến bệnh nhân nào chúng tôi nhập mã số bệnh nhân đó và thao tác trên máy luôn nên rất thuận tiện, tất cả thông tin diễn biến bệnh, phương pháp điều trị, các kết quả cận lâm sàng như siêu âm, xét nghiệm, chụp phim… đều được lưu trên bệnh án điện tử, chúng tôi có thể xem lại bất kỳ lúc nào cần, mà không phải gọi điều dưỡng tìm kiếm như lưu ở bệnh án giấy. Một điều thuận tiện nữa là bệnh án điện tử sẽ lưu lại tất cả thông tin điều trị của bệnh nhân trong đợt nằm viện đó, nếu lần sau bệnh nhân nhập viện, bác sĩ chỉ cần nhập mã bệnh án là các thông tin hiện ra, giúp ích rất nhiều cho bác sĩ trong chẩn đoán điều trị. Còn với người bệnh, khi đến bệnh viện khám chữa bệnh không phải mang sổ khám bệnh, các giấy tờ xét nghiệm, chụp phim, hay toa thuốc… đã điều trị trước đây, vì tất cả đều được lưu trong bệnh án điện tử, bác sĩ sẽ cập nhật được tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, từ đó sẽ có phương án điều trị thích hợp.
Theo bác sĩ Bảo Phi, bệnh án điện tử được kết nối với các phần mềm như HIS, PACS, LIS, do đó tất cả các kết quả khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, chụp phim, siêu âm đều được đẩy lên phần mềm bệnh án điện tử. Bác sĩ sẽ xem các kết quả trên bệnh án điện tử, mà không phải in ra, vừa tiết kiệm được tiền in ấn, còn điều dưỡng thì không phải chạy đến Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Xét nghiệm lấy phim hay kết quả siêu âm, xét nghiệm như trước nữa.
“Trung bình mỗi năm bệnh viện có khoảng 80 ngàn bệnh án giấy nội trú và ngoại trú, chúng tôi phải bố trí một kho lớn để lưu trữ, bảo quản hồ sơ bệnh án giấy và tốn rất nhiều chi phí in ấn phim, các kết quả siêu âm, xét nghiệm cũng như mua sắm văn phòng phẩm để ghi bệnh án giấy. Khi triển khai bệnh án điện tử đã giúp loại bỏ nhiều công đoạn trong khám chữa bệnh, tiết kiệm nguồn chi phí rất lớn do không phải mua bệnh án giấy, in ấn… và tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y, bác sĩ, hướng tới việc điều trị hiệu quả và chất lượng” - BS Bảo Phi nhấn mạnh.
Gia Nhi