Trong ba vi lượng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể con người (I-ốt, sắt, vitamin A) thì I-ốt chiếm vị trí khá quan trọng. I-ốt không thể thiếu được với các hoóc môn tuyến giáp bởi nó giữ vai trò cần thiết trong việc chuyển hóa vật chất của cơ thể và sự phát triển của não. Mặc dù trong cơ thể chỉ có khoảng 15 – 23 mg I-ốt, lượng này ít hơn 100 lần so với trọng lượng của sắt trong cơ thể, tuy nhiên I-ốt là chất rất cần thiết cho sự phát triển của trí tuệ, thể lực và hoạt động của con người. Cơ thể con người nếu thiếu I-ốt sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Thiếu I-ốt gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm
Cử nhân Nguyễn Hữu Hoà, cán bộ chuyên trách về hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I-ốt, CDC Đồng Nai cho biết: I-ốt là chất rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Thiếu Iốt có thể gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ. Trong thời kỳ bào thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào hoóc môn giáp trạng của người mẹ ngấm qua nhau thai sang con. Hoóc môn này rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai nếu thiếu I-ốt thì sự phát triển của bào thai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của trẻ. Y học chứng minh, thiếu I-ốt ở mẹ từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn hoặc mang khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, lác mắt. Các hậu quả này sẽ tồn tại vĩnh viễn suốt cuộc đời trẻ, vì hiện nay y học chưa chữa được. Ngoài ra người mẹ trong thời kỳ mang thai nếu thiếu I-ốt có thể có nguy cơ đẻ non, sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ…
Đối với người lớn, trẻ em, và trẻ vị thành niên nếu thiếu hụt I-ốt sẽ dẫn đến bệnh bướu cổ, thiểu năng giáp, chức năng trí tuệ hư hại, chậm phát triển cơ thể.
Đối với phụ nữ ở tuổi sinh đẻ thì I-ốt cùng một số chất nội tiết khác giúp cho cơ quan sinh dục phát triển bình thường, đảm bảo chức năng sinh sản.
Cần bổ sung hợp lý và phòng ngừa thiếu I-ốt
Theo CN Hòa, I-ốt là một vi chất mà tự cơ thể chúng ta không tổng hợp được nên bổ sung I-ốt là điều cần thiết. Tuy nhiên cần bổ sung lượng phù hợp với cơ thể, không được nhiều hay ít hơn lượng quy định được khuyến nghị.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành cần trung bình 150 microgam I-ốt mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần nhiều hơn là 220 microgam và phụ nữ cho con bú cần đến 290 microgam mỗi ngày.
Với trẻ từ 0-6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn thì mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối I-ốt hoặc nước mắm có I-ốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa bổ sung cho bé.
Với trẻ đã ăn dặm thì cần bổ sung I-ốt qua ăn uống hàng ngày. I-ốt có nhiều trong hải sản: cá, tôm, cua và có nhiều trong các loại rau như rong, tảo biển, rau câu, rau xanh... Ngoài ta, trứng và các thực phẩm từ sữa cũng là một nguồn cung cấp I-ốt khá tốt. Vì vậy, các bà mẹ chú ý thêm vào thực đơn cho bé từ nguồn thức ăn giàu I-ốt này.
I-ốt có trong nhiều loại thực phẩm như hải sản, thịt động vật, một số loại rai…, tuy nhiên thường có hàm lượng thấp không đủ cho nhu cầu hàng ngày. Cách bổ sung I-ốt hiệu quả nhất là sử dụng muối I-ốt và các sản phẩm có chứa I-ốt như: Bột canh I-ốt, nước mắm hoặc dùng những loại thuốc bổ sung I-ốt theo chỉ định của bác sĩ.
Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, trong năm 2020 độ bao phủ muối có I-ốt trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 87 %, chưa đạt so với mục tiêu đề ra là 90% trở lên. Kết quả giám sát tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt tại 44 xã/phường có 20 xã đạt trên 90% còn lại 24 xã chưa đạt tỷ lệ. |
Thanh Tú