Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển, tăng trưởng của trẻ. Nếu trẻ bị thiếu hụt những vi chất này thì sức đề kháng suy yếu làm trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, chậm phát triển.

Vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vi chất dinh dưỡng bao gồm 30 vi chất dinh dưỡng chính. Chia 2 nhóm: Nhóm vitamin A,B,C,D,E ,…và nhóm nguyên tố vi lượng: canxi, sắt, kẽm, iod,…

Phòng chống thiếu vitamin A: Thiếu vitamin A sẽ làm trẻ chậm phát triển; dễ mắc các bệnh nhiễm trùng: Viêm phổi, tiêu chảy cấp, nhiễm trùng da... ; đặc biệt ảnh hưởng mắt từ nhẹ đến nặng: quáng gà, khô giác mạc, loét, mù.

Nguồn cung cấp vitamin A từ 2 nguồn chính là động vật (Thịt, cá, trứng, gan, sữa, … dưới dạng Retinol) và thực vật (Các loại rau xanh, trái cây vàng đậm, xanh đậm, đỏ, dạng β caroten).

Cho trẻ uống vitamin A tại trạm y tế. 

Phòng ngừa thiếu vitamin A bằng uống vitamin A liều cao: khi có bệnh mắt, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm trùng tái phát, sau bệnh sởi, ho gà. 

- Trẻ ≤ 1 tuổi = 100.000UI uống vào ngày thứ 1, 2 và ngày 10 (không uống liên tục 3 ngày liền)

- Trẻ >1 tuổi = 200.000UI uống vào ngày thứ 1, 2 và ngày 10 (không uống liên tục 3 ngày liền)

Phòng ngừa cho trẻ 6 tháng đến 36 tháng tuổi: Nuôi con bằng sữa mẹ; ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin A; Uống phòng Vitamin A mỗi 6 tháng: Trẻ < 6 tháng: 50.000 UI; trẻ 6-12 tháng: 100.000 UI; trẻ  > 12 tháng: 200.000 UI.

Trong hai ngày 1 - 2/6, các bà mẹ cần đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.

Phòng chống thiếu I-ốt 

Iốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, cần cho tổng hợp hormon tuyến giáp, duy trì thân nhiệt, phát triển xương, quá trình biệt hóa và phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai.

Nhu cầu Iốt của trẻ/ngày: từ 0-5 tuổi: 90 μg; 6-12 tuổi: 120 μg; > 12 tuổi: 150 μg.

Thiếu I-ốt ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em và phụ nữ mang thai. Đối với trẻ em gây chậm phát triển trí tuệ, đần độn, bệnh bướu cổ; với phụ nữ mang thai gây dị tật bẩm sinh, sảy thai, sinh non…

Để phòng ngừa thiếu Iốt cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều Iốt như cá biển, cua biển, rau cải xoong, súp lơ, rong biển, rau câu… Chương trình Phòng chống rối loạn do thiếu Iốt khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối Iốt và sản phẩm Iốt (nước mắm, bột nêm) trong chế biến thức ăn.

Phòng chống thiếu máu thiếu sắt  

Thiếu máu gây ra các hậu quả như: Giảm phát triển trí tuệ; giảm phát triển thể lực; giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng; giảm khả năng làm việc và năng suất lao động.

Nhu cầu: Trẻ nhỏ: 10-20 mg/ngày; nam nữ vị thành niên: 15-65 mg/ngày; nam nữ trưởng thành: 15-60 mg/ngày.

Sắt được cung cấp cho cơ thể từ các nguồn thức ăn: thức ăn động vật (thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, cá ngừ, huyết...) và thức ăn thực vật (đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương...); thực phẩm có bổ sung sắt. Để tăng hấp thu sắt, nên ăn hoa quả chín để cung cấp nhiều vitamin C.

Phòng chống thiếu canxi

Hậu quả thiếu canxi làm ảnh hưởng phát triển răng, xương: còi xương (thường kèm thiếu vitamin D); ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ; rối loạn chuyển hóa: hạ canxi máu, tetani, rối loạn đông máu,…

Nhu cầu canxi: Trẻ < 6 tháng: 300 mg/ngày; 7-12 tháng: 400 mg/ngày; 1 tuổi – 3 tuổi: 500mg/ngày; trẻ lớn: 800 mg/ngày; dậy thì: 1000 – 1200 mg/ngày; bà mẹ mang thai: 1200 mg/ngày.
Phòng ngừa thiếu canxi cho trẻ bằng cách bổ sung canxi từ nguồn thực phẩm động vật: hải sản, thịt, trứng, tôm (tép), cua đồng, …; từ sữa, phô mai; từ thực phẩm thực vật: đậu, bông cải, cam, chuối,…

Phòng chống thiếu vitamin D

Thiếu vitamin D làm trẻ chậm lớn, khóc đêm, đổ mồ hôi, rụng tóc (hình vành khăn), ảnh hưởng phát triển răng, xương.

Nguồn cung cấp Vitamin D chủ yếu từ ánh nắng mặt trời chiếm 80% nhu cầu.

Từ nguồn thực phẩm chiếm 20%. Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà... 

Phòng ngừa: cho trẻ uống vitamin D3 (1 giọt # 400 UI/ngày, đặc biệt trẻ sinh thiếu tháng).

Tóm lại, để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ các bậc phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, cân đối và phù hợp theo từng lứa tuổi. Nên tận dụng nguồn sữa mẹ và đa dạng các loại thực phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày.

BS. CKI Lê Thị Đẹp
Trưởng khoa Dinh Dưỡng – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai 

Share with friends

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN