Hiện nay, tình hình dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước, trong khi nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm của máu tiếp tục tăng hằng năm. Để đảm bảo an ninh nguồn máu, đáp ứng yêu cầu dự trữ nguồn máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện thì nguồn máu từ người hiến máu tình nguyện đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, năm 2019, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.
Phong trào hiến máu tình nguyện đã được Chính phủ quan tâm từ rất lâu. 21 năm về trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7-4 hàng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.
Các đoàn viên, thanh niên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham gia hiến máu trong Ngày hội hiến máu tình nguyện.
Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp. Hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ không có hại cho sức khỏe, điều này đã được chứng minh bằng cơ sở khoa học. Để đảm bảo sức khỏe khi hiến máu, cần lưu ý một số điều sau:
*Trước khi hiến máu:
Buổi tối trước ngày đi hiến máu không nên thức quá khuya, ngủ đủ giấc 7- 8 tiếng/đêm, không uống rượu bia và các chất kích thích; không nên ăn các món ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ.
Trước khi đi hiến máu nên ăn nhẹ, hạn chế thức ăn béo ngọt; chuẩn bị chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.
*Trong khi hiến máu:
Bạn nên nghỉ ngơi trước khi làm thủ tục hiến máu. Thư giãn, tránh căng thẳng, có thể nghe nhạc nhẹ để giảm bớt lo lắng hoặc trò chuyện với những người xung quanh để nhận được những kinh nghiệm và chia sẻ từ mọi người. Trong thời gian lấy máu nếu thấy bất cứ biểu hiện như: chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, đau buốt ở vị trí kim tiêm thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.
*Sau khi hiến máu:
Ngay sau khi hiến máu chỉ được đứng dậy và rời khỏi vị trí khi được sự đồng ý của nhân viên y tế. Nếu có biểu hiện chóng mặt buồn nôn nhẹ nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ 10 – 15 phút, có thể uống một chút nước ấm có pha đường hoặc uống trà gừng. Để miếng băng dính sau ít nhất 4-6 giờ mới lấy đi, không nên bỏ miếng băng dính quá sớm sẽ gây chảy máu.
Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường để cơ thể hồi phục dần; ngủ đủ giấc; uống nhiều nước, ăn đầy đủ và tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho máu như: thịt bò, gan, trứng, sữa, quả bơ, măng cụt, cà rốt, cà chua,… Nếu có thể, dùng thêm các thuốc bổ máu, chứa sắt và acid folic, vitamin B12 rất tốt cho quá trình tạo máu. Nếu ăn uống và sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, bạn có thể hiến máu lại sau 3-4 tháng.
Tránh uống rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến máu. Không nên tham gia các môn thể thao đòi hỏi thể lực mạnh, các hoạt động vận động nhiều mất sức như: đá bóng, chạy bộ, leo núi trong hai ngày đầu và không nên thức khuya.
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai