Một bệnh nhân nam sau một chấn thương bị gãy khung chậu dẫn tới hẹp niệu đạo vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đồng Nai 2 phẫu thuật tạo hình niệu đạo.
Đó là bệnh nhân Nguyễn Mạnh P. (sinh năm 1984, ngụ tại TP. Biên Hòa), cách đây 9 tháng, sau một chấn thương bị gãy khung chậu dẫn tới hẹp niệu đạo. Bệnh nhân có dấu hiệu bí tiểu đã đi khám tại một cơ sở y tế và được chẩn đoán đứt niệu đạo, gãy ngành ngồi mu. Bệnh nhân sau đó được chỉ định dẫn lưu bàng quang trên xương mu để giải quyết bí tiểu và theo dõi tình trạng gãy xương ổn định sẽ tạo hình niệu đạo. Tuy nhiên, gần một năm nay bệnh nhân đi tiểu qua ống dẫn trên xương mu, việc đeo ống dẫn khiến bệnh nhân không chỉ bị căn bệnh hành hạ mà tinh thần cũng suy sụp và mất tự tin.
Mới đây, bệnh nhân được người thân giới đến Bệnh viện Đồng Nai 2 thăm khám và điều trị. Sau khi thăm khám bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tạo hình niệu đạo. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ ê kíp mổ là BS-CKII Phan Trọng Hùng - Trưởng phân khoa Ngoại niệu và BS-CKI Bùi Đình Hòa của Bệnh viện đã phẫu thuật tạo hình hẹp niệu đạo cho bệnh nhân bằng phương pháp nối tận-tận. Sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống bình thường và đang được chăm sóc theo dõi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Theo BS-CKII Phan Trọng Hùng - Trưởng phân khoa Ngoại niệu - Bệnh viện Đồng Nai 2, niệu đạo ở nam giới dài khoảng 20cm (so với chỉ khoảng 4cm ở nữ) nên dễ bị tổn thương và gây đứt, hẹp. Tình trạng tắc nghẽn lâu dài do hẹp niệu đạo có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang và chức năng thận. Việc đặt ống thông tiểu dễ dẫn đến nhiễm trùng, tạo sỏi vùng đặt ống, có thể gây ra ung thư (dạng tế bào vảy).
Phẫu thuật tạo hình niệu đạo là phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng hẹp niệu đạo. Đây là 1 phẫu thuật khá phức tạp đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm, tỉ mỉ vì rất dễ bị tái hẹp. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật tuỳ thuộc vào chiều dài đoạn hẹp. Với hẹp niệu đạo, nếu chọn sai phương pháp điều trị, can thiệp niệu đạo nhiều lần thất bại thì tiên lượng sau phẫu thuật tạo hình niệu đạo sẽ thấp hơn vì có nhiều sẹo chai, xơ cứng khó xử lý và mạch máu nuôi mô bị ảnh hưởng.
“Khi gặp những triệu chứng như: tiểu khó, tiểu gấp, tiểu đau, dòng nước tiểu yếu, nước tiểu sậm màu hoặc máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo… bệnh nhân cần nhanh chóng đến đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời” – BS Hùng khuyến cáo.
Sao Mai