Có thể khẳng định rằng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ giảm thời gian chờ đợi đăng ký khám bệnh, còn giúp cho việc triển khai và ứng dụng có hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh như: chụp CT, MRI, kết nối chẩn đoán, điều trị bệnh từ xa… Nhờ đó, chất lượng khám, điều trị ngày càng được nâng lên, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Nhiều tiện ích thiết thực cho người bệnh
Cụ thể, tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai mở thẻ khám bệnh 2 trong 1 (vừa đăng ký khám bệnh vừa thanh toán viện phí) là ứng dụng mới nhất được bệnh viện triển khai chính thức từ tháng 10/2020 trong khám bệnh ngoại trú. Nếu trước đây bệnh nhân phải bốc số thứ tự, chờ gọi tên rồi mới được đăng ký vào phòng khám, thì với thẻ khám bệnh 2 trong 1, bệnh nhân chỉ cần đến quẹt thẻ tại một trong 4 ki ốt tự động để khám bệnh. Sau khi đăng ký khám ki ốt sẽ hiện thị các mục khám có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, tiếp đến lựa chọn chuyên khoa khám, phòng khám và lấy số thứ tự từ máy rồi đi thẳng đến phòng khám. Nhờ đó, nhiều khâu trong quy trình khám bệnh đã được cắt bỏ, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Anh Vương Thành Sơn (38 tuổi, ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) cho hay, bây giờ đến bệnh viện khám bệnh rất tiện, chỉ cần cầm thẻ 2 trong 1 đến quầy tự động để đăng ký, sau đó đi thẳng vào phòng khám mà không cần phải chờ lâu, khâu thanh toán cũng vậy. Trước đây có khi phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ để đăng ký khám, thanh toán và lấy thuốc, nay chỉ mất 1 nửa thời gian của trước đó là xong.
![](/UserFiles/Images/2020/Thang%2012/ung%20dung%20cntt.jpg)
Bệnh nhân đăng ký khám bệnh từ thẻ 2 trong 1 tại Bệnh ĐK khoa Đồng Nai.
Ngoài việc triển khai thẻ khám bệnh 2 trong 1, bệnh viện còn ứng dụng CNTT trong hệ thống xét nghiệm để tiết giảm thời gian. Trước đây khi còn làm thủ công 1 xét nghiệm chạy trả kết quả sẽ tốn rất nhiều thời gian, hiện tại với hệ thống máy tự động thời gian được giảm xuống rất nhiều.
BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, ứng dụng CNTT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Người bệnh không cần phải dùng đến sổ khám hay mang tiền mặt theo trong người, giảm thời gian cho bệnh nhân đăng ký khám, làm các kết quả xét nghiệm và tránh mất cắp tiền khi mang theo. Đối với bệnh viện, giảm thời gian, công sức cho nhân viên, không phải thực hiện các khâu truyền thống như trước, từ đó có thêm thời gian để thực hiện những công việc khác.
Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, sắp tới bệnh viện sẽ triển khai đặt lịch khám qua tin nhắn điện thoại và hệ thống tổng đài tự động. Thứ 2 là trả kết quả qua hệ thông tin SMS, thứ 3 là thanh toán bằng thẻ khám bệnh 2 trong 1 sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi, đặc biệt là trong hệ thống nội trú. Bệnh nhân khi xuất viện tất cả bảng kê chi phí khám, chữa bệnh đã được thống kê ngay từ đầu, do đó thời gian thanh toán sau điều trị sẽ được rút ngắn.
![](/UserFiles/Images/2020/Thang%2012/ung%20dung%20cntt1.jpg)
Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn thăm khám cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật cắt khối u.
Còn tại Trung tâm y tế H.Vĩnh Cửu, trong thời gian qua trung tâm đã có nhiều cải tiến nhằm giảm các thủ tục rườm rà cho người bệnh khi đến khám. Cụ thể, trước đây mỗi lần đến khám, bệnh nhân đăng ký khám tại bộ phận tiếp nhận và bị giữ lại thẻ BHYT, sau khi khám xong lấy thuốc ra về thì phải quay lại bộ phận trả thẻ BHYT để nhận thẻ mới hoàn tất thủ tục khám bệnh. Hiện nay, khi đến khám bệnh nhân đến đăng ký khám tại quầy tiếp nhận và được phân về các phòng khám, sau khi khám xong, bác sĩ cho toa thuốc bệnh nhân cầm toa đến quầy dược lấy thuốc rồi về.
Ngoài ra, trung tâm còn ứng dụng phần mềm CNTT Ehospital của FPT trong quản lý khám, chữa bệnh, nhờ phầm mềm này mà những bệnh nhân mạn tính, khi tái khám lại bác sĩ có thể xem được bệnh, kết quả cận lâm sàng và thuốc uống của đợt khám lần trước, nếu không có gì thay đổi, bác sĩ chỉ cần sao lại toa thuốc cũ mà không cần phải gõ lại đơn thuốc. Nhờ vậy thời gian chờ đời của bệnh nhân được rút ngắn.
Chị Ngô Tiểu Phượng, nhân viên phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm y tế H.Vĩnh Cửu cho hay, tất cả những cải tiến này đều được thực hiện trên phần mềm ứng dụng CNTT, nhờ vậy giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân và giảm tải áp lực cho bác sĩ và các bộ phận có liên quan khác.
Hội chẩn Online với tuyến trên, thực hiện nhiều ca bệnh khó ngay tại bệnh viện
Thông qua ứng dụng CNTT hiện đại, cho phép các bệnh viện, trung tâm y tế kết nối khám, chữa bệnh từ xa với tuyến trên. Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được phẫu thuật thành công tại cơ sở y tế địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Mới đây, sau khi tiếp nhận một bệnh nhi 23 ngày tuổi có khối u to ở sau đầu, BS Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã hội chẩn với các bác sĩ trong bệnh viện, đồng thời hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, gửi hình ảnh chụp CT, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi để có hướng xử lý phù hợp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thực hiện cắt khối thoát vị, tạo màng cứng cho bệnh nhân. 20 ngày sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, không nôn ói, bú tốt.
Được biết, trong năm qua, bệnh viện luôn duy trì hình thức hội chẩn Online qua Zum và qua các đầu cầu của các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời tham gia vào mạng lưới Onlnie phía Nam, với các mạng lưới của quốc gia… từ những hội chẩn đó đã giúp ích cho bệnh viện rất nhiều về lý thuyết lẫn thực hành.
Còn tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai, nếu trước đây các bác sĩ điều trị muốn có kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân như siêu âm, CT hay MRI phải qua nhiều khâu, nhiều bước, thì hiện nay, nhờ ứng dụng CNTT nên một số kỹ thuật cận lâm sàng có thể thực hiện ngay tại giường bệnh. Đồng thời, với việc kết nối toàn bộ hệ thống khám và chẩn đoán trong bệnh viện, các bác sĩ có thể xem trực tiếp kết quả trên hệ thống ngay khi bệnh nhân đang được chụp chiếu.
BS Nguyễn Xuân Hoàng – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, trước đây mỗi lần đưa bệnh nhân lên chụp CT, MRI riêng thời gian chụp cho bệnh nhân từ 5 phút tới 30 phút, sau khi chụp 30 phút nữa mới in ra phim và bác sĩ chuyên khoa đọc, rồi mới đưa về bác sĩ lâm sàng xử lý. Với hệ thống PACS hiện đại kết hợp với phần mềm HIS, lúc bệnh nhân đang chụp trên bàn kết quả có ngay ở khoa lâm sàng, các bác sĩ quan sát trực tiếp trên màn hình, khi bệnh nhân chụp phim về các bác sĩ đã biết kết quả và xử lý xong, không cần phải chờ đợi in phim hay đọc kết quả từ khoa khác chuyển vào nữa. Nhờ đó, giảm thời gian cho bệnh nhân và bác sĩ, đồng thời tăng chất lượng khám, chữa bệnh.
Sao Mai – Phương Thanh