Công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thông qua Phòng Công tác xã hội (CTXH) đã giúp kết nối giữa mạnh thường quân với bệnh viện để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Không những vậy, nơi đây còn thực hiện các hoạt động truyền thông – giáo dục sức khỏe, hỗ trợ người bệnh khi đến khám chữa bệnh.
Cầu nối cho bệnh nhân nghèo
ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng – Trưởng phòng Phòng CTXH-QHCC (P. CTXH-QHCC) cho biết: “Tổ Công tác xã hội thuộc Phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được thành lập từ năm 2013, đến năm 2015 đổi tên thành Phòng P. CTXH-QHCC. Trải qua gần 10 năm hoạt động, đến nay phòng đã triển khai rất nhiều hoạt động đúng với chức năng theo hướng dẫn của của Bộ Y tế về quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức nhiệm vụ công tác xã hội của Bệnh viện”.
Phòng CTXH-QHCC phối hợp chặt chẽ các khoa lâm sàng của bệnh viện nắm thông tin về bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo mà số tiền chi trả viện phí quá sức của gia đình. Qua đó, phòng chủ động thăm hỏi người bệnh và người nhà người bệnh để tìm hiểu mức độ cần hỗ trợ về tâm lý, xã hội; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ về mặt vật chất như tiền, sữa, bỉm tã. Phòng là đầu mối vận động các cá nhân tổ chức cho nguồn “Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo” của bệnh viện. Hàng năm “Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo” đều nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân về tiền mặt và quà, như năm 2020 số tiền mà mạnh thường quân đóng góp là hơn 3.5 tỉ đồng, trị giá quà gần 320 triệu đồng.
BS Yến Vân - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ nội dung "Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ" cho các phụ huynh có con điều trị tại khoa.
Là một người có con được hỗ trợ từ bệnh viện, chị H.T.L.H (ngụ ở P.Thống Nhất –TP.Biên Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 đứa con nhưng 2 đứa bị tổn thương não và một bé mới mất cách đây không lâu. Con bệnh, chỉ có chồng đi làm, tôi ở nhà chăm con và đưa đi bệnh viện thường xuyên nên kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau. 12 năm trước, khi con trai tôi mổ và phải đóng viện phí hơn 10 triệu đồng, đã được Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hỗ trợ thông qua Phòng CTXH.
Bên cạnh tiền mặt, con tôi còn được hỗ trợ máy hút đờm, máy tạo ô-xy để sử dụng tại nhà. Cũng qua lần kết nối đó, đã có nhà hảo tâm đều đặn mỗi tháng chuyển khoản 500 ngàn đồng giúp gia đình tôi suốt 10 năm qua”.
Để động viên bệnh nhi điều trị tại bệnh viện, vào các dịp lễ tết trong năm, Phòng CTXH còn tổ chức lễ và phát những phần quà cho bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện (từ 500 - 700 phần quà/đợt). Hàng tuần vào thứ hai đến thứ bảy có 2-3 nhóm từ thiện đến phát cơm cháo miễn phí cho thân nhân bệnh nhi (200-300 phần/ngày). Hàng tháng luôn có 4-5 tổ chức, nhóm từ thiện đến phát quà cho bệnh nhi tại các khoa lâm sàng. “Đó là những món quà ý nghĩa mà Phòng CTXH đã huy động sự tham gia của các nhà hảo tâm, nhằm chung tay với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện”, BS Nghĩa chia sẻ.
Ngoài ra, Phòng CTXH còn phối hợp các khoa, phòng thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Phòng CTXH bệnh viện còn hỗ trợ thủ tục giấy tờ các trường hợp trẻ bị bỏ rơi đưa đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, hoặc liên hệ địa phương tìm người thân đến nhận trẻ. Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng CTXH đã giải quyết 3 trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện, trong đó có 1 trường hợp phòng phối hợp với địa phương tìm kiếm và vận động thân nhân bệnh nhân đến đón trẻ, có 2 trường hợp không tìm được thông tin bố mẹ đẻ, phải chuyển bé vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nuôi dưỡng, săn sóc theo quy định của pháp luật.
Thực hiện tốt hoạt động chăm sóc khách hàng
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều có Phòng hoặc tổ CTXH nhưng để CTXH trong bệnh viện không đơn thuần là thực hiện công tác từ thiện, các bệnh viện đã triển khai các hoạt động khác như Truyền thông - GDSK; Chăm sóc khách hàng. BS Nghĩa cho biết: “Phòng CTXH thường xuyên phối hợp với các khoa, phòng khác tổ chức những buổi truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm cung cấp cho thân nhân người bệnh những kiến thức cơ bản về bệnh thường gặp, cách phòng chống và điều chỉnh những quan niệm sai lầm trong chữa bệnh tại nhà. Qua những buổi truyền thông, đã tạo sự gần gũi giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, sự hài lòng của bệnh nhân đối với bệnh viện, những rào cản giữa người bệnh và nhân viên y tế được tháo gỡ, người bệnh thấy thoải mái, hài lòng”.
Nhân viên phòng CTXH Bệnh viện ĐKKV Long Khánh trao hỗ trợ cho bệnh nhân.
Phòng CTXH còn thực hiện nhiệm vụ về chăm sóc khách hàng, hướng dẫn những quy trình, dịch vụ khám, chữa bệnh đang triển khai tại bệnh viện; Hướng dẫn bệnh nhân những thủ tục, giấy tờ cần thiết phù hợp với các đối tượng khi đến khám và điều trị (chế độ viện phí, BHYT….); Hỗ trợ giải thích những vướng mắc của gia đình người bệnh về: tình hình bệnh của trẻ, hướng điều trị của bác sỹ, chăm sóc trẻ tại nhà; Tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế trong bệnh viện; Quyền lợi và trách nhiệm của bệnh nhân và người nhà.
Bên cạnh những thuận lợi, theo BS Nghĩa, CTXH trong bệnh viện vẫn còn những khó khăn nhất định, như nhân lực của các phòng CTXH vẫn còn thiếu nên chưa bố trí nhân viên chăm sóc khách hàng tại tất cả các vị trí trong bệnh viện. Một số nhân viên chưa được học qua các lớp đào tạo chuyên ngành về CTXH.
Có thể nói, sự ra đời của Phòng CTXH đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của bệnh viện, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện "y tế - tâm lý - xã hội", từng bước xây dựng, cải thiện và duy trì các mối quan hệ tích cực giữa nhân viên y tế với người bệnh và người nhà người bệnh nhằm nâng cao sự hài lòng và chất lượng khám chữa bệnh trong bệnh viện.
Mai Liên