[Loạt bài: Chú trọng phát triển kỹ thuật cao, nâng tầm Y tế Đồng Nai]

Ứng dụng kỹ thuật cao không còn là đặc quyền của tuyến trung ương. Tại Đồng Nai, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực và cả tuyến huyện đã chủ động triển khai hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp tim mạch, lọc máu hiện đại, phẫu thuật tim, chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao, xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế... Việc “phủ sóng” kỹ thuật cao toàn tuyến không chỉ rút ngắn khoảng cách điều trị giữa các tuyến mà còn mang lại cơ hội sống và hồi phục tốt hơn cho người dân ngay tại địa phương. 

Làm chủ nhiều kỹ thuật cao, cứu sống người bệnh nguy kịch 

BS.CKII Nguyễn Tường Quang – Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho hay, trong những năm gần đây, hoạt động phát triển kỹ thuật cao tại bệnh viện tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ riêng từ tháng 6-2024 đến nay, bệnh viện đã triển khai hàng loạt kỹ thuật mới ở hầu hết các lĩnh vực, từ ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, tiết niệu, thần kinh đến tim mạch, tiêu hóa và huyết học. Trong đó có thể kể đến:Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới bằng keo sinh học Venaseal; Cầu nối động – tĩnh mạch bằng mạch máu nhân tạo; Nội soi khớp khuỷu tay, cổ tay; Thay khớp vai; Phẫu thuật chuyển thần kinh, chuyển cơ điều trị liệt mặt, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay; Điều trị tiểu không tự chủ ở nữ bằng mảnh ghép tổng hợp; Nội soi tán sỏi thận bằng ống mềm; lấy sỏi thận qua da dưới siêu âm;Lọc máu hấp phụ điều trị ngộ độc cấp; Điều trị đột quỵ bằng can thiệp lấy huyết khối não; Cắt đốt điện sinh lý 3D; Nút mạch điều trị u gan (TACE); Thay đĩa đệm cột sống cổ động, tạo hình thân đốt sống bằng xi măng và lồng titan; Phẫu thuật gan – tụy nâng cao...

Theo BS.CKII Nguyễn Tường Quang, để triển khai kỹ thuật cao, bệnh viện đã chú trọng đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng thời cử đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện lớn; hợp tác với các chuyên gia tuyến trên để nhận chuyển giao kỹ thuật thông qua các Đề án 1816 và Đề án bệnh viện vệ tinh. Đặc biệt, từ năm 2013, khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện ĐK Thống Nhất đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu và từng bước làm chủ các kỹ thuật phức tạp trong điều trị.

Một trong những kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện thường quy tại bệnh viện là can thiệp tim mạch. BS.CKII Trần Minh Thành – Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, chia sẻ: “Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nếu không được can thiệp kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Việc làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạchđã giúp chúng tôi tận dụng được 'thời gian vàng' trong điều trị, qua đó giúp cho hàng ngàn người bệnh được cứu sống”.

Bệnh nhân bệnh nhân T.K.T., hồi phục sức khỏe sau ca can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành bị tắc.

Trường hợp bệnh nhân T.K.T., (44 tuổi, trú tại xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) là một minh chứng. Ông T. được chuyển lên từ Bệnh viện ĐKKV Long Khánh trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp thành trước, với phân độ nặng nhất (Killip IV). Ngay lập tức, các bác sĩ của bệnh việnđã can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành, chỉ sau chưa đầy 30 phút, dòng máu được khôi phục, cứu sống bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhân còn một nhánh mạch vành bị hẹp nặng, dự kiến sẽ tiếp tục can thiệp sau vài ngày.

Về phẫu thuật tim hở, dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay Bệnh viện ĐK Thống Nhất đã thực hiện nhiều kỹ thuật như: phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, tứ chứng Fallot; phẫu thuật bệnh lý van tim phức tạp bằng đường mở ngực giữa xương ức; phẫu thuật bắc cầu động mạch vành; thay van động mạch chủ sinh học; phẫu thuật các khối u tim; triển khai hệ thống ECMO hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể…, và đang tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn.

Trường hợp bệnh nhân H.T.L.T. (47 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) là ca phẫu thuật tiêu biểu. Bệnh nhân bị hẹp van hai lá, rung nhĩ, suy tim, xét nghiệm máu cum tét +++.

BS.CKI Bùi Văn Linh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết: “Bệnh nhân có bệnh lý miễn dịch tự miễn về máu nên khi truyền máu vào sẽ phản ứng cơ thể, hồng cầu sẽ bị vỡ, do vậy phải thử rất nhiều bịch máu để chọn máu cùng nhóm phù hợp với bệnh nhân. Để thận trọng hơn, bệnh viện cũng đã làm một số xét nghiệm miễn dịch cho bệnh nhân, những xét nghiệm này đều được gửi lên TP.HCM thực hiện” – BS Linh cho hay.

Sau 3 ngày được các bác sĩ phẫu thuật tim, bệnh nhân T., đã tỉnh táo, có thể ăn uống, đi lại được. Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, vết mổ khô, bớt đau,  sức khỏe khá ổn định.

Chia sẻ sau phẫu thuật, chị H.T.L.T., xúc động: “Trước đây tôi lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám, nhưng vì quá đông nên không sắp được lịch mổ. Về Bệnh viện ĐK Thống Nhất, tôi được các bác sĩ chăm sóc rất tận tình. Ngay cả Ban Giám đốc cũng đến tận phòng thăm hỏi. Mổ gần nhà, chi phí cũng đỡ tốn kém, tôi cảm thấy may mắn vì đã tin tưởng lựa chọn nơi đây”.

Cá thể hóa điều trị và hướng đến các trung tâm chuyên sâu

Còn tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai, BS.CKII Lê Thị Phương Trâm - Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, nhiều năm qua bệnh viện đã không ngừng phát triển và ứng dụng các kỹ thuật y khoa tiên tiến, tập trung vào cá thể hóa điều trị, can thiệp xâm lấn tối thiểu và ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. 

Chẳng hạn, trong điều trị đột quỵ nhồi máu não, ưu tiên hàng đầu là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông. Nếu phương pháp này không đạt hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, một kỹ thuật ít xâm lấn giúp giảm đau, hạn chế biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân.

Trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, bệnh viện đã thực hiện thường quy các kỹ thuật hiện đại như đặt stent, thay van tim qua da, bắc cầu động mạch vành không cần phẫu thuật mở ngực,… mang lại cơ hội điều trị an toàn, hiệu quả hơn cho người bệnh. 

Bệnh viện cũng luôn cập nhật những tiến bộ y học mới nhất, cử đội ngũ bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu và triển khai các công nghệ tiên tiến, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ đọc phim X-Quang, CT, MRI, giúp phát hiện bệnh lý chính xác và nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, bệnh viện chú trọng phát triển liệu pháp điều trị cá thể hóa, như: Xét nghiệm gen để điều trị ung thư, bệnh hiếm, bệnh di truyền; ứng dụng liệu pháp miễn dịch, tế bào gốc để điều trị thoái hóa khớp, chấn thương tủy sống, bệnh lý tim mạch, xương khớp; sử dụng van tim sinh học, khớp nhân tạo thế hệ mới giúp cải thiện khả năng phục hồi và chất lượng sống của người bệnh…

Hay như mới đây, lần đầu tiên bệnh viện triển khai thành công kỹ thuật chạy ECMO để cứu bệnh nhân H.Đ.K. (46 tuổi, ngụ tại phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng choáng tim, tiên lượng tử vong trên 90%.

Êkip đặt hệ thống ECMO cho bệnh nhân K .tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai.

Theo BS.CKII Đặng Hà Hữu Phước – Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp có choáng tim, tổn thương cơ tim nghiêm trọng.

Ngay lập tức, ê-kíp cấp cứu đã tiến hành can thiệp mạch vành kịp thời để tái thông dòng máu, phục hồi tưới máu cơ tim. Tuy nhiên, do tổn thương cơ tim nặng, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy đa cơ quan (gan, thận, não...).

Trước diễn biến nguy cấp, bệnh viện đã hội chẩn khẩn cấp với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy và quyết định sử dụng hệ thống ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) nhằm hỗ trợ tạm thời chức năng tim và phổi, đảm bảo duy trì tuần hoàn máu đến các cơ quan quan trọng. Thiết bị này đã giúp tạo ra “khoảng thời gian vàng” chờ cơ quan tim phổi hồi phục. Nhờ can thiệp kịp thời, bệnh nhân K., đã thoát khỏi cửa tử và sức khỏe tiến triển tích cực.

BS.CKII Đặng Hà Hữu Phước cho biết, ECMO là hệ thống hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể, tạm thời thay thế chức năng tim và phổi khi các cơ quan này bị tổn thương nặng và không thể đảm bảo việc tưới máu cho các cơ quan khác như não, gan, thận. Nhờ ECMO, bệnh nhân có cơ hội sống sót trong giai đoạn nguy kịch trong khi chờ các cơ quan bị tổn thương hồi phục.

“Trong lĩnh vực hồi sức, ECMO là một trong những kỹ thuật tiên tiến bậc nhất hiện nay. Với sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã chủ động chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực để triển khai kỹ thuật này. Lần đầu tiên, Bệnh viện đã ứng dụng ECMO thành công trong việc cứu sống một bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch. Đây là cột mốc quan trọng, tạo tiền đề để bệnh viện tiếp tục phát triển kỹ thuật ECMO song song với các kỹ thuật cao đang được triển khai như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim, hiến - ghép tạng… nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, khẳng định vị thế của bệnh viện trong khu vực và trên cả nước” – BS Phước cho biết thêm.

Ngoài ra, bệnh viện hướng tới thành lập các trung tâm chuyên sâu như: Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Ung bướu. Trong đó, Trung tâm Ung bướu sẽ phát triển theo mô hình điều trị ung thư đa mô thức, bao gồm chẩn đoán, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị giảm nhẹ, nhằm mang đến phương pháp điều trị toàn diện và hiệu quả nhất cho người bệnh. Đây là những bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm của bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Đưa kỹ thuật cao về gần người dân vùng xa

Nếu như trước đây, người dân mắc các bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận mạn...ở các xã vùng sâu, vùng xa phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để chữa trị, thì từ nhiều năm nay các bệnh viện: Đa khoa khu vực (ĐKKV) Long Khánh, Định Quán đã đưa kỹ thuật này về phục vụ người dân, giúp họ được chữa trị kịp thời.

Điều đáng nói, chất lượng điều trị các mặt bệnh trên ở bệnh viện khu vực không thua kém gì bệnh viện tuyến tỉnh. Đơn cử như, Đơn vị Đột quỵ của Bệnh viện ĐKKV Long Khánh đã được Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trao chứng nhận Bạch kim. Đây là một giải thưởng danh giá, công nhận năng lực chuyên môn và các tiêu chí khắt khe về con người, máy móc, thời gian từ lúc tiếp nhận bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân được điều trị đặc hiệu... 

Đơn vị đột quỵ Bệnh viện ĐKKV Long Khánh nhận chứng nhận bạch kim của Tổ chức Đột quỵ thế giới.

BS.CKII Nguyễn Quốc Thành  - Trưởng khoa Nội thần kinh cho biết, Đơn vị đột qụy của Bệnh viện ĐKKV Long Khánh được thành lập tháng 1-2019. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận và điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có 80% bệnh nhân bị nhồi máu não. Trong đó, có hàng trăm ca bệnh được điều trị tiêu sợi huyết trong giờ vàng (trong vòng 3 đến 4,5 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng của đột quỵ), với tỷ lệ hồi phục cao, ít để lại di chứng. 

Việc làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu còn giúp Bệnh viện ĐKKV Long Khánh kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do tai nạn giao thông, đa chấn thương.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.H. (18 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận), nhập viện vào ngày 11-12-2024 sau khi bị tai nạn nghiêm trọng do xe máy cày cán qua bụng. Bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện ĐKKV phía Nam – Bình Thuận, trong tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp, chảy máu âm đạo nhiều và đa vết thương nhiều vùng trên cơ thể.

Nhận định đây là một ca chấn thương phức tạp, nguy cơ tử vong cao, bệnh viện đã nhanh chóng huy động các bác sĩ giàu kinh nghiệm từ các khoa Ngoại tổng quát, Ngoại chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiết niệu và Sản khoa để hội chẩn khẩn gấp trong đêm.

Qua thăm khám và chẩn đoán, bệnh nhân bị gãy khung chậu, đứt niệu đạo, rách mặt trước cổ tử cung, tổn thương thành bên âm đạo và biến chứng sốc chấn thương. Ngay lập tức, bệnh nhân được mổ cấp cứu với nhiều can thiệp phức tạp: mở bàng quang ra da, làm thẳng đoạn niệu đạo, khâu phục hồi tử cung và âm đạo, cố định ngoài khung chậu và nhét gạc hốc chậu trái để cầm máu. Trong và sau ca mổ, bệnh nhân được truyền gần 6 lít máu và các chế phẩm máu để bù lượng máu đã mất.

Sau 33 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhân được tháo khung cố định ngoài và tiến hành nối lại đoạn niệu đạo. Trong suốt quá trình điều trị, ngoài việc cứu sống tính mạng, các y bác sĩ còn động viên ổn định tâm lý cho người bệnh. Đồng thời phối hợp với khoa phục hồi chức năng tập vật lý trị liệu hằng ngày giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi chức năng đi lại.

Nhờ sự tận tâm của đội ngũ y tế và nỗ lực của chính bệnh nhân, sau hơn một tháng kiên trì điều trị và tập luyện, em H. đã có thể đi lại được trên chính đôi chân của mình – một điều tưởng chừng đơn giản nhưng là cả một kỳ tích đối với em, gia đình và những người đã đồng hành suốt hành trình giành lại sự sống.

Tại Bệnh viện ĐKKV Định Quán đã triển khai Đơn vị điều trị Đột quỵ từ năm 2020, mở ra cơ hội cho người dân địa phương và khu vực lân cận khi mắc bệnh này.

ThS-BS Tạ Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Định Quán cho biết, trước năm 2020, khi gặp những ca đột quỵ chúng tôi phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, thời gian đi lại xa xôi, nhiều bệnh nhân qua mất giờ vàng trong điều trị thuốc tiêu sợi huyết nên tỷ lệ hồi phục không cao, thậm chí phải chịu cảnh tàn phế. Từ  khi triển khai điều trị đột quỵ, đã cứu sống rất nhiều ca bệnh trong giờ vàng nên tỉ lệ phục hồi rất cao.

Không chỉ phát triển chuyên môn ở các bệnh viện tuyến tỉnh, Đồng Nai cũng đặc biệt quan tâm phát triển kỹ thuật cao cho bệnh viện đa khoa khu vực và các trung tâm y tế huyện. Các bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên hỗ trợ, huấn luyện tuyến dưới, giúp đào tạo, chuyển giao một số kỹ thuật cao như: mổ nội soi, mổ sọ não, mổ tim, thay khớp và những phương pháp điều trị nội khoa chuyên sâu giúp các bệnh viện đa khoa khu vực, trung tâm y tế tuyến huyện phát triển chuyên môn, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị, kịp thời cấp cứu các ca bệnh nặng mà không phải chuyển lên tuyến trên. 

Nâng tầm y tế Đồng Nai

Theo BS.CKII Nguyễn Văn Bình – Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, việc triển khai kỹ thuật cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của ngành. Sở đã chủ động đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các tuyến.

Tùy theo điều kiện và năng lực, các bệnh viện được khuyến khích chủ động tiếp nhận kỹ thuật mới từ tuyến trên thông qua Đề án 1816 và mô hình bệnh viện vệ tinh. Nhiều đơn vị còn tích cực nghiên cứu khoa học, áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngay trong hoạt động thường nhật, từng bước nâng cao hiệu quả điều trị.

Song song đó, ngành Y tế tỉnh cũng xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong triển khai kỹ thuật mới hoặc điều trị thành công những ca bệnh khó, góp phần tạo động lực thi đua đổi mới trong toàn ngành.

Chính những nỗ lực này đã mang lại những kết quả cụ thể và tích cực. Đến nay, hệ thống y tế Đồng Nai đã có bước phát triển mạnh mẽ: 4 bệnh viện triển khai can thiệp tim mạch; 5 bệnh viện triển khai điều trị đột quỵ; 10 đơn vị chạy thận nhân tạo; 2 bệnh viện mổ tim hở; 2 bệnh viện điều trị ung thư; 3 bệnh viện triển khai kỹ thuật ECMO…

Điều đáng mừng, nhiều kỹ thuật cao được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu biểu như trong điều trị đột quỵ, Hội Đột quỵ thế giới đã công nhận Bệnh viện ĐK Đồng Nai đạt chứng nhận Kim cương; Bệnh viện ĐK Thống Nhất và Bệnh viện ĐKKV Long Khánh đạt chứng nhận Bạch kim. Hay như trong xét nghiệm, Bệnh viện ĐK Thống Nhất, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã đạt được Chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý ISO 15189 phiên bản 2022. Việc đạt được chứng nhận này khẳng định rằng, hệ thống quản lý chất lượng của Phòng xét nghiệm Bệnh viện ĐK Thống Nhất, Đa khoa Đồng Nai đã đáp ứng các yêu cầu quốc tế về năng lực, tính nhất quán và độ tin cậy của các kết quả xét nghiệm, giúp người bệnh không phải chuyển mẫu lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM để làm xét nghiệm như trước kia.

Chia sẻ về hiệu quả của việc triển khai kỹ thuật cao, BS.CKII Nguyễn Văn Bình khẳng định: Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh, đồng thời khẳng định vị thế ngành y tế tỉnh nhà trong khu vực, khi đã làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu vốn chỉ thực hiện tại tuyến trung ương và được các tổ chức quốc tế công nhận.

“Thứ nhất, kỹ thuật cao giúp cấp cứu bệnh nhân kịp thời, điều trị hiệu quả, giảm thiểu biến chứng và tử vong. Thứ hai, giảm tỷ lệ chuyển tuyến – điều này không chỉ giảm áp lực cho tuyến trên mà còn tiết kiệm chi phí, công sức cho người bệnh và người thân. Thứ ba, người dân được điều trị kỹ thuật cao ngay tại địa phương, nhất là bệnh nhân có thẻ BHYT, điều này góp phần gia tăng niềm tin, thúc đẩy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong cộng đồng. Việc đầu tư kỹ thuật cao còn góp phần thu hút nhân lực chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo tại chỗ và cải thiện xếp hạng chuyên môn kỹ thuật của các đơn vị”, - BS Bình nói.

Với định hướng đúng đắn, cách làm bài bản và sự đồng lòng của toàn ngành, hệ thống y tế Đồng Nai đang ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực. Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, việc đẩy mạnh kỹ thuật cao không chỉ là yêu cầu chuyên môn mà còn là sứ mệnh, thể hiện rõ cam kết của ngành Y tế trong việc mang đến dịch vụ y tế an toàn, hiệu quả, chất lượng và nhân văn cho mọi người dân.

Như Thuần – Bích Ngọc

Share with friends

Bài liên quan

Những việc cán bộ công chức không được làm từ ngày 1/7/2025
Những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức 2025
11 nhóm được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh từ ngày 1/7/2025
Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi): Lấy vị trí việc làm là trung tâm
Những hành vi gây lãng phí cần tập trung phòng, chống theo Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW
Sửa đổi Pháp lệnh Dân số: Vợ chồng được tự quyết định số con và thời gian sinh con
Giữ ổn định hệ thống giáo dục và y tế công lập sau sáp nhập đơn vị hành chính
Từ 1/7/2025, sổ sức khoẻ điện tử thay thế giấy tờ liên quan trong khám, chữa bệnh
Nghiêm cấm hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin lộ trình miễn viện phí cho người dân
Quy định về mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống
Luật BHYT sửa đổi năm 2024: Người dân được hưởng lợi gì?
Đại hội đại biểu Hội Đông y tỉnh Đồng Nai khóa 9 nhiệm kỳ 2025-2030
Ngành Y tế Đồng Nai có 30 tập thể và cá nhân được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Từ ngày 20/3/2025, đảng viên sinh con thứ ba không bị xử lý kỷ luật
Đảng bộ Sở Y tế tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 89 của Bộ chính trị và chuyên đề năm 2025
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Bệnh viện ĐK Thống Nhất tổ chức Hội thi Xanh – sạch – đẹp, khóm hoa mùa tết Việt Nam
Sở Y tế tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động năm 2025
Trao quà Tết cho đoàn viên công đoàn, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN