Nấm móng là nhiễm nấm ở phần bản móng của ngón tay, ngón chân. Khi nhiễm nấm móng bệnh tiến triển âm thầm và mạn tính. Bệnh thường gây cảm giác ngứa và mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân, triệu chứng bệnh
Chị H.T.L. (40 tuổi, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) rất tự ti với móng tay của mình do bị bệnh nấm móng. Chị L. cho biết chị đã từng đi khám, uống và bôi thuốc theo đơn. Tuy nhiên do ở nhà làm công việc nội trợ, thường xuyên tiếp xúc với nước và hóa chất nên bệnh của chị không chữa dứt điểm được.
Theo BSCKI Bùi Thị Thu Thảo – Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, nguyên nhân của nấm móng tay và nấm móng chân là do vi nấm Dermatophytes Trichophyton rubrum và Trichophyton mentagrophytes là.
Tuy nhiên trên cùng 1 móng có thể bị nhiễm nhiều loại vi nấm khác nhau. Nấm móng có thể chỉ đơn độc hay đồng thời kèm nấm da tay hoặc da chân, nấm xảy ra ở một hoặc nhiều móng chân, tay.
Nhiễm nấm móng tổn thương thường âm thầm, thường bệnh nhân đến khám là khi móng có tổn thương nhìn thấy rõ như: bản móng dày lên, màu sắc móng thay đổi (vàng, trắng đôi khi nâu sậm), móng teo hoặc thay đổi hình dạng móng, đôi khi có các tổn thương sưng viêm hoặc có mủ quanh móng bệnh. Tùy theo loại vi nấm bị nhiễm mà có các dạng tổn thương móng đặc trưng.

Nấm móng tay gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.
Nấm móng thường xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, hóa chất như người nội trợ, thợ làm nail, thợ hồ, người bán hàng nước giải khát, công nhân làm các khâu dán keo... Ngoài ra có thể do chấn thương hay thói quen mang giày chật cũng gây nên vi nấm tăng sinh gây bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn.
Phòng ngừa bệnh nấm móng
Bác sĩ Thảo cho biết, khi có những triệu chứng bất thường ở móng tay, chân như đã nói trên, người dân nên đến bệnh viện, cơ sở y tế da liễu để được khám, xét nghiệm và điều trị đúng bệnh. Nên điều trị sớm, tuyệt đối không để bệnh nặng mới điều trị.
“Để chẩn đoán nấm móng phải dựa vào xét nghiệm soi nấm, đôi khi phải xét nghiệm nhiều lần khi tổn thương móng nhìn thấy rõ mà xét nghiệm âm tính, khi cần có thể cấy nấm. Tùy theo loại nấm bị nhiễm mà sử dụng các thuốc kháng nấm cho loại đó. Vì vậy, người bị bệnh không nên tự ý dùng thuốc bôi hoặc uống khi chưa xác định được nguyên nhân của bệnh, để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra như: mất móng, tổn thương móng không hồi phục, nhiễm trùng quanh móng, suy gan” – bác sĩ Thảo lưu ý.
Để phòng ngừa nấm móng và ngăn bệnh tái phát, ngoài việc bôi thuốc người bệnh cần sử dụng các dụng cụ bảo vệ tay như găng tay, dụng cụ bảo hộ chuyên dụng, tránh tiếp xúc trực tiếp các hóa chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa chén, nước bẩn, hóa chất... Luôn sử dụng kem dưỡng da – móng, vệ sinh tay chân sạch sẽ, sử dụng dụng cụ chăm sóc móng riêng và vệ sinh dụng cụ trước, sau cắt tỉa móng. Tránh áp lực, tổn thương lên vùng móng. Đi giày vừa vặn thích hợp bằng các loại da, nhựa mềm đàn hồi tốt. Không đi chân đất cũng là cách để phòng tránh nấm ở chân. Ăn nhiều rau xanh, củ quả để tăng cường vitamin, khoáng chất cần thiết tốt cho da, cho móng.
Mai Chi