Bệnh viêm tuyến Bartholin là một bệnh lý thường hay gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Bệnh không chỉ gây cảm giác khó chịu trong sinh hoạt mà còn gây khó khăn trong quan hệ tình dục. Do đó, khi có dấu hiệu của bệnh, người bệnh nên đi khám để bác sĩ (BS) đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh gây gây khó chịu trong sinh hoạt và khó khăn trong quan hệ tình dục
BS Kim Thị Hồng Mai - Khoa Sản phụ, Bệnh Viện Đại học Y dược Shing Mark cho biết, trung bình một tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhân viêm tuyến Bartholin đến khám, với nhiều biểu hiện từ kích thước nhỏ đến to. Trong đó, có những bệnh nhân đến khám đau khi quan hệ, lúc này nang nhỏ không biểu hiện rầm rộ nên chỉ phát hiện qua việc thăm khám. Sưng đau âm đạo, thấy 1 bên vùng âm đạo sưng to, gây đau nhiều.
Điển hình trường hợp bệnh nhân N.T.Y., (27 tuổi, ở phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa) đến khám do đau khi quan hệ tình dục, 1 bên vùng âm đạo sưng to, gây đau. Kết quả, bệnh nhân bị viêm tuyến Bartholin phải uống thuốc kháng sinh, kháng viêm và giảm đau.
Theo BS Hồng Mai, tùy vào trường hợp của bệnh nhân, các BS sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Nếu nang có kích thước nhỏ và không có các triệu chứng như đau, chảy mủ thì nang tuyến Bartholin có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải thăm khám định kỳ theo lịch của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của nang. Còn ở giai đoạn viêm, sưng sẽ cho kháng sinh, kết hợp với các loại thuốc giảm đau chống viêm để có tác dụng giảm đau và làm tan các khối u nang. Đối với những trường hợp cho thấy hình ảnh viêm tuyến Bartholin đã lớn và nang tuyến thành áp xe, gây ra hiện tượng sưng, đau, nhiễm trùng và chảy mủ thì sẽ có hai cách điều trị phổ biến đó là: rạch tuyến Bartholin và bóc nang tuyến Bartholin.
Bệnh viêm tuyến Bartholin là một bệnh lý thường hay gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản.
Một số tác nhân hay gặp dẫn đến viêm tuyến Bartholin là nhiễm trùng bởi các vi khuẩn lây lan qua đường tình dục như: Chlamydia, lậu, các vi khuẩn đường ruột như Escherichia coli (E.coli)… Chấn thương hoặc tổn thương: chấn thương khu vực âm đạo, bao gồm những tổn thương do phẫu thuật hoặc sinh nở có thể làm hẹp hoặc tắc nghẽn ống dẫn của tuyến.
Khi bị viêm tuyến Bartholin, nếu nang có kích thước nhỏ sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các nang này thường được phát hiện chỉ khi người bệnh nhận thấy một khối nhỏ, không có cảm đau ngay bên ngoài cửa vào âm đạo, hoặc bác sĩ phát hiện được qua thăm khám phụ khoa định kỳ.
Đau và sưng là triệu chứng phổ biến nhất, khi các nang tuyến Bartholin lớn sẽ gây tình trạng khó chịu, đặc biệt khi quan hệ và khi ngồi. Nếu như nang bị nhiễm trùng sẽ trở nên sưng, cứng, chứa đầy mủ thì bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt, cảm giác rất đau và khó khăn khi ngồi hoặc đi lại. Người bệnh có nang nhiễm trùng thường sẽ tạo thành áp xe, các áp xe này sẽ thường phát triển rất nhanh chỉ trong vòng 2-4 ngày.
Viêm tuyến Bartholin sẽ làm tuyến bartholin không tiết chất nhờn nữa và gây cảm giác đau rát khi quan hệ tình dục, đồng thời sẽ kích thích bàng quang nên người bệnh rất dễ bị rối loạn tiểu tiện. U nang hoặc áp xe Bartholin thông thường sẽ chỉ xảy ra ở một bên của cửa âm đạo.
“Phụ nữ khi bị viêm tuyến Bartholin không chỉ gây cảm giác khó chịu trong sinh hoạt, còn gây khó khăn trong quan hệ tình dục. Do đó, khi có dấu hiệu của bệnh, người bệnh nên đi khám để BS đưa ra phương pháp điều trị phù hợp” – BS Hồng Mai nói.
Phòng bệnh viêm tuyến Bartholin
BS Hồng Mai cho biết, tuyến Bartholin là một tuyến nhỏ, dạng hình cầu, nằm dưới da trong hai bên âm đạo, đường kính khoảng 1cm. Tuyến được cấu tạo bởi các tế bào trụ tiết nhầy, có chức năng tiết ra chất nhầy giúp bôi trơn âm đạo, khiến cho âm đạo không khô, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và bôi trơn khi quan hệ.
Khi ống tuyến này bị tắc nghẽn, chất nhầy sẽ đọng lại bên trong tuyến kích thước thay đổi tùy tình trạng dịch ứ bên trong tuyến từ kích thước nhỏ (có thể tự khỏi đến kích thước to do không được xử lý sớm, ống tuyến này sẽ sưng lên và tạo thành u nang tuyến Bartholin, áp xe tuyến Bartholin.
Phụ nữ có khả năng bị viêm tuyến Bartholin ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên đối với những người trong độ tuổi từ 20-29 sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến Bartholin thường gặp đó là: phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, phụ nữ đang mắc bệnh tiểu đường, những người quan hệ tình dục không an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
Cũng theo BS Hồng Mai, sẽ rất khó để có thể ngăn ngừa hoàn toàn khả năng hình thành khối viêm Bartholin trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu người bệnh thực hiện được những thói quen tốt sau đây sẽ giúp ngăn ngừa được sự nhiễm trùng xảy ra và hạn chế tối đa nguy cơ hình thành nên áp xe:
Luôn giữ gìn vệ sinh vùng kín đúng cách, lưu ý bạn chỉ vệ sinh ở vùng ngoài và không thụt rửa sâu trong âm đạo. Quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp an toàn để tránh nguy cơ bị lây các bệnh qua đường tình dục.
Khi phát hiện có khối u nhỏ ngay cửa vào âm đạo hoặc muộn hơn là có các dấu hiệu đau hay sưng vùng âm đạo thì bạn phải lập tức đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời. Khám phụ khoa định kỳ không chỉ phát hiện sớm điều trị kịp thời mà còn giúp bệnh nhân tầm soát những bệnh lý phụ khoa như: u xơ tử cung, nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung.
Sao Mai