Trong thời gian qua, công tác y tế học đường tại các trường học đã được chú trọng nhằm đảm bảo vai trò tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ để công tác này phát huy hiệu quả tốt hơn.
Chú trọng công tác truyền thông
Thầy Nguyễn Hoàng Duy - Hiệu phó Trường TH - THCS - THPT Trương Vĩnh Ký, TP.Long Khánh cho biết, trường hiện có 1.710 học sinh với tổng số 55 lớp, mỗi ngày bếp ăn nhà trường cung cấp khoảng 1.000 suất ăn cho các học sinh đăng ký ăn bán trú. Ngoài việc chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà trường cũng chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền để các em học sinh nắm rõ hơn các vấn đề an toàn thực phẩm, các dịch bệnh lây nhiễm, để cùng với nhà trường thực hiện tốt hơn các vấn đề này. Theo đó, nhà trường đã tổ chức các buổi thuyết trình với nội dung liên quan đến y tế học đường theo từng chủ đề, các thầy cô sẽ là những người phản biện về các bài thuyết trình của học sinh, đồng thời chỉ ra những vấn đề cần bổ sung hoặc thiếu sót mà học sinh trình bày. Bên cạnh đó các tài liệu về y tế học đường cũng được nhà trường đưa lên trang fanpage của trường, trang zalo, facebook...
Ngoài ra, đối với phụ huynh học sinh nhà trường cũng thường xuyên phổ biến thông tin qua các kênh truyền thông zalo thông qua các lớp, qua đó phụ huynh phối hợp với nhà trường thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại trường học.

Nhân viên y tế Trường TH - THCS – THPT Trương Vĩnh Ký, TP Long Khánh theo dõi sức khỏe học sinh tại phòng y tế nhà trường.
Tại Trường THCS Quang Vinh, huyện Trảng Bom, ngoài việc phối hợp với trạm y tế phường kiểm tra sức khỏe cho học sinh định kỳ hằng năm và tổ chức uống thuốc tẩy giun cho các em, nhà trường còn đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe thông qua các buổi chào cờ hàng tuần và trên các nhóm của giáo viên, để từ đó các cô truyền đạt nội dung đến các em học sinh.
Tương tự các trường trên, Trường THPT Văn Lang, huyện Trảng Bom, cũng đẩy mạnh công tác truyền thông cho học sinh, nhà trường biên soạn các nội dung dịch bệnh phù hợp, lồng ghép vào trong các giờ giảng các nội dung giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch, bệnh tật.
Bà Đỗ Thị Thanh Tâm - Phó chánh Văn phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, công tác y tế học đường là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Sở đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm, Sở đã đưa chỉ tiêu này vào đánh giá hoàn thành chỉ tiêu cho các trường học. Hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra công tác y tế tại các trường học, qua đó có các biện pháp chấn chỉnh và khắc phục đối với những trường chưa thực hiện tốt.
Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương
Ông Lương Trường Vĩnh - Trưởng Khoa Sức khoẻ môi trường - Y tế trường học, CDC Đồng Nai cho biết, vừa qua CDC Đồng Nai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục, TTYT các huyện, thành phố tổ chức giám sát công tác y tế học đường tại các trường học với các nội dung: Cơ sở điều kiện vật chất dạy và học; An toàn vệ sinh thực phẩm; Các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh; Giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh; Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe; Cấp thoát nước và Vệ sinh môi trường...

Thành viên Đoàn giám sát y tế trường học kiểm tra tủ thuốc tại Trường THCS Quang Vinh, huyện Trảng Bom.
Qua giám sát tại một số trường trên địa bàn tỉnh, cơ bản các trường đều đạt tiêu chuẩn quy định của ngành y tế như thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phối hợp với các cơ sở y tế thực hiện kiểm tra khám sức khỏe cho học sinh hàng năm. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất, ánh sáng, trang thiết bị và phòng y tế... Các trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động y tế trường học, có thành lập Ban chăm sóc sức khỏe học sinh (CSSKHS) và Ban chỉ đạo xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, có xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe học sinh… Tuy nhiên nhà trường cần đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất đúng quy định Bộ Giáo dục, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tăng cường theo dõi, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khoẻ cho học sinh.
Đặc biệt các trường học cần phối hợp tốt với cơ sở y tế địa phương, thực hiện kiện toàn thành phần Ban CSSKHS. Đưa Trưởng Trạm y tế làm Phó ban Ban chỉ đạo xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban.
Hiện nay mặc dù các trường học đều đã có nhân viên y tế, tuy nhiên đa phần nhân viên y tế đều chưa có chứng chỉ hành nghề, một số trường chuyên ngành học của nhân viên chưa đúng theo yêu của ngành y tế, điều này sẽ ảnh hướng đến một số quyền lợi đáng lẽ nhân viên y tế học đường được hưởng.
Mới đây CDC Đồng Nai đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục, TTYT các huyện, thành phố, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư Bộ Y tế về việc quy định phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung chuyên môn của chương trình đào tạo nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị tổ chức, mà không thành lập cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Thanh Tú