Nước sạch sinh hoạt luôn là vấn đề được lãnh đạo các cấp quan tâm. Những năm qua, Đồng Nai đã dành nhiều nguồn lực, thu hút đầu tư vào nước sạch. Nhờ đó, có 83% hộ gia đình được dùng nước sạch. Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) đẩy mạnh các biện pháp để người dân được sử dụng nước sạch đảm bảo an toàn và tỷ lệ sử dụng nước sạch ngày một cao.
Hơn 4 tỷ đồng phục vụ cho nước sạch sinh hoạt của người dân
Thống kê của UBND tỉnh, hiện tỷ lệ hộ dân toàn tỉnh sử dụng nước sạch (gồm 4 nguồn: nước máy, nước cấp nông thôn, nước qua thiết bị lọc hộ gia đình, nước giếng khoan) là gần 83%. Để kiểm soát chặt chẽ lượng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của người dân nhằm đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội ở Đồng Nai, CDC Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp như kiểm tra ngoại kiểm nguồn nước tại các nhà máy nước trên địa bàn, tăng cường công tác truyền thông giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khoẻ.
Ông Lương Trường Vĩnh - Trưởng Khoa Sức khoẻ môi trường - Y tế trường học, CDC Đồng Nai cho biết, công tác ngoại kiểm chất lượng nước nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được đơn vị đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm 2024, CDC Đồng Nai đã dự trù hơn 4 tỷ đồng để phục vụ cho công việc này, theo kế hoạch 100% đơn vị cấp nước có công suất thiết kế trên 1.000m3/ngày đêm được giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước theo Thông tư Bộ Y tế.
Mỗi đơn vị lấy tối thiểu 03 mẫu: 01 mẫu tại bể chứa nước đã xử lý của đơn vị cấp nước trước khi đưa vào mạng lưới đường ống phân phối; 01 mẫu lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng cuối mạng lưới đường ống phân phối; các mẫu còn lại lấy ngẫu nhiên tại vòi sử dụng trên mạng lưới đường ống phân phối (bao gồm cả các phương tiện phân phối nước như xe bồn hoặc ghe chở nước).
Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế Đồng Nai làm trưởng đoàn kiểm tra nguồn nước sạch tại nhà máy nước TP Long Khánh.
Tiến hành xét nghiệm 99 thông số theo QCVN 01-1:2018/BYT hoặc Quy chuẩn địa phương (QCĐP) 01: 2024/ĐN.
Dự kiến tổng số 244 mẫu xét nghiệm 99 thông số theo QCVN 01-1:2018/BYT hoặc QCĐP 01: 2024/ĐN.
Xét nghiệm 21 thông số theo QCVN 01-1:2018/BYT hoặc QCĐP 01: 2024/ĐN đối với một số đơn vị cấp nước được kiểm tra giám sát.
Đồng thời trên 50% cơ sở sử dụng nước tự khai thác (nước dưới đất, nước mặt) chưa có nước máy do đơn vị cấp nước cung cấp (khoảng 100 đơn vị): cơ quan, đơn vị, khu chung cư, khu tập thể, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, khu vực có bể chứa nước tập trung được giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Mỗi đơn vị lấy tối thiểu 02 mẫu gồm 01 mẫu tại bể chứa nước tập trung và 01 mẫu ngẫu nhiên tại vòi sử dụng. Nếu có từ 02 bể chứa nước tập trung trở lên thì mỗi bể lấy ít nhất 01 mẫu tại bể và 01 mẫu ngẫu nhiên tại vòi sử dụng. Tiến hành xét nghiệm 21 thông số theo QCVN 01-1:2018/BYT hoặc QCĐP 01: 2024.
Bên cạnh đó công tác nhân lực cũng được chú trọng để phục vụ cho việc đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân. 100% cán bộ chuyên trách Trung tâm Y tế tuyến huyện/thành phố và các cơ sở cấp nước được tập huấn nâng cao chuyên môn về kiểm tra, giám sát chất lượng nước.
Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng
Mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch của cả tỉnh đạt gần 83%, tuy nhiên trong đó tỷ lệ nước máy ở nông thôn đạt khá thấp mới chỉ gần 35% và đô thị đạt gần 84%.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân cho biết: Đầu tư vào nước sạch nông thôn chi phí rất lớn nhưng nhu cầu sử dụng của người dân lại không cao như đô thị. Công ty đang phát triển nước sạch về các huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán, công suất khai thác mới đạt 15/40 ngàn m3/ngày đêm so với thiết kế. Để giải tỏa công suất, đẩy nhanh tốc độ bao phủ mạng lưới nước sạch nông thôn, công ty kiến nghị tỉnh cho điều chỉnh giá bán nước sạch. Mức giá công ty xây dựng là 10 ngàn đồng/m3, không có giá bậc thang.
Ông Lương Trường Vĩnh chia sẻ, với mong muốn người dân hiểu về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, CDC Đồng Nai không chỉ tập trung nâng cao kiểm tra chất lượng nước sạch sinh hoạt cho người dân mà việc tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân về việc sử dụng nước sạch sinh hoạt cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như truyền thông thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng (Phát thanh, truyền hình...), các loại ấn phẩm (báo, tạp chí, tờ rơi…) với các nội dung về tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe người dân…
Tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền với các nội dung giáo dục về Luật Tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; giới thiệu phổ biến Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn, giới thiệu nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm về thực hiện tốt cấp nước an toàn để người dân, các cơ sở cấp nước, chính quyền các cấp nâng cao trách nhiệm, tự giác thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững.
Lồng ghép các hoạt động truyền thông vào các chương trình, dự án có liên quan như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe…
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo trong buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề nước sạch ngày 17-5 vừa qua cho rằng, nước sạch rất quan trọng với đời sống và sức khỏe của người dân. Mục tiêu của tỉnh không chỉ là 85% hay 90% tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch mà mọi người dân đều được dùng nước sạch. UBND tỉnh cần xây dựng chiến lược để khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Bên cạnh đó, bố trí ngân sách thanh lý hoặc nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn hiện hữu. Các doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với tỉnh nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sạch.
Thanh Tú