Phong trào “Vệ sinh yêu nước” xuất phát từ bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân ngày 2.7.1958. Trong đó, Bác đã kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2.7 hàng năm là Ngày “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình...
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ðảng và Nhà nước, sự tham gia thực hiện có hiệu quả của các cấp ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng bằng nhiều phong trào, như: "ba sạch, ba diệt", "ăn sạch, ở sạch", "sạch làng, sạch ngõ", "xây dựng ba công trình vệ sinh" ở các hộ gia đình...
Gần đây, trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng nông thôn mới đều có các tiêu chí về vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Người dân xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) dọn vệ sinh môi trường hưởng ứng chiến dịch "Ngày cuối tuần phòng, chống sốt xuất huyết".
Hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 (ngày 2/7/2024), Bộ Y tế kêu gọi sự tham gia của các Sở, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể, học sinh và các tầng lớp nhân dân tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi nhằm giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe như: vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không phóng uế bừa bãi, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà, xây dựng cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo vệ sinh trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, khu dịch vụ, khu du lịch, nơi công cộng;
Tổ chức thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch các công trình vệ sinh nơi công cộng, khu du lịch, bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, …; tổ chức ra quân, huy dộng toàn dân làm tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng Nông thôn mới”.
Tổ chức và phát động các cuộc thi hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại khu dân cư, trường học, cơ quan, công sở. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tham gia cuộc thi “Cơ sở Y tế Xanh – Sạch – Đẹp” theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phái thanh, truyền hình địa phương), treo băng rôn, áp phích, phân phát tài liệu, tờ rơi với mục tiêu và nội dung liên quan đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, vệ sinh trong chế biến thực phẩm tại địa phương;
Tăng cường giám sát các nội dung về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường trong cơ sở y tế, trường học; phòng chống dịch bệnh tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nơi ngập lụt, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngọc Huệ (CDC Đồng Nai)