Thời tiết nắng, mưa liên tục khiến cho các loại côn trùng phát triển, hoạt động mạnh và gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc rất nhiều ở trẻ em. Viêm da tiếp xúc do côn trùng ban đầu thường không nguy hiểm và khiến cho nhiều người chủ quan. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng viêm sẽ ngày càng lan rộng và nặng hơn.
Khoảng thời gian gần đây, mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai tiếp nhận khám và điều trị cho từ 2 đến 5 ca viêm da tiếp xúc do côn trùng. Trong đó, rất nhiều bệnh nhi đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Như trường hợp bệnh nhân Lê Huy H. (10 tuổi, ở phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa), mẹ của bé cho hay, bé bị kiến ba khoang cắn ở ngay cạnh mũi và miệng. Do xót và ngứa nên bé lấy tay gãi, nên vết thương lan ra nhiều hơn và sau đó sưng rộp lên. Mẹ bé ra tiệm thuốc tây mua thuốc về cho bé bôi nhưng không đỡ, mà càng sưng rộp lên, nên mới đưa bé đi khám. Sau khi thăm khám, bé được chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng cắn. Ngoài việc đắp thuốc, bé còn được điều trị chiếu tia Plasma lạnh điều trị vết thương mau lành hơn.
Mẹ bé cho biết, không chỉ riêng bé bị kiến ba khoang cắn, trong gia đình còn có ba và anh của bé cũng bị kiến ba khoang cắn. Tuy nhiên, trường hợp của bé nặng hơn nên mới phải đi bệnh viện khám, điều trị.
Bệnh nhân Lê Huy H. được đắp thuốc điều trị kiến ba khoang cắn tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai.
Hay như trường hợp Trịnh Thanh K. (11 tuổi, ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa), sau khi bị kiến ba khoang cắn trên cổ gây ngứa và rát, bé gãi các vết thương lan ra nhiều hơn. Mẹ của bé mua thuốc về bôi nhưng không khỏi, sau đó bé được mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu Đồng Nai khám. Kết quả, bé cũng bị viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng cắn phải dùng thuốc điều trị.
Bác sĩ Linh Thị Lệ Thu - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho biết, thời tiết thay đổi, nóng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật, vi khuẩn cũng như các loại côn trùng phát triển, những bệnh về da do côn trùng cắn xảy ra nhiều hơn. Theo đó, khi bị côn trùng cắn trên da người bệnh sẽ có những triệu chứng như: mẫn đỏ, sưng, ngứa, rát… Trong đó, ngứa là triệu chứng hay gặp nhất, khi da bị ngứa có thể do nổi mụn nước gây khó chịu, người bệnh hay lấy tay gãi dẫn đến tổn thương da nhiều hơn.
Cũng theo BS Thu, hiện nay do sự thiếu hiểu biết và chủ quan của người dân, họ không nhận biết được những triệu chứng đó là côn trùng cắn, sau đó tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc là tự ý sử dụng những sản phẩm bôi lên da khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều này không chỉ bệnh không thuyên giảm mà làm cho tình trạng viêm da tiếp xúc tự nhiên trở nặng hơn, dễ bị nhiễm trùng da.
“Sau khi bị các loại côn trùng cắn, việc đầu tiên cần xử lý đó là, khi thấy trên da có những tổn thương bị đỏ, cần phải làm sạch vùng tổn thương bằng nước ấm và xà phòng. Tránh cào, gãi chà xát vào vùng đang bị tổn thương, hay khi côn trùng cắn không nên giết chết côn trùng ngay tại chỗ, nếu giết chết sẽ vô tình làm các dịch tiết côn trùng gây tổn thương và thâm nhập sâu hơn, nặng hơn. Sau đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế, các cơ sở chuyên khoa về da liễu để thăm khám kịp thời, để bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý và hiệu quả cho bệnh nhân” – BS Thu nói.
BS Thu cũng khuyến cáo, viêm da do kiến ba khoang hay côn trùng thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách, tuyệt đối không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ và không nên đắp lá cây theo quan niệm dân gian để tránh bị nhiễm trùng và sẹo.
Sao Mai