Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp đến, đây là dịp để các gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau một năm dài học tập và làm việc. Dịp này, thích thú nhất chắc hẳn chính là các trẻ nhỏ khi được ăn uống, vui chơi thỏa thích bên bạn bè, gia đình. Tuy nhiên, đi kèm với đó lại là nỗi lo của không ít các bậc phụ huynh khi mà những ngày tết cũng là khoảng thời gian nếp sống của các em bị xáo trộn, chế độ ăn uống và lịch sinh hoạt thất thường khiến trẻ dễ mắc bệnh. Câu hỏi đặt ra là chăm sóc sức khỏe của trẻ trong những ngày tết như thế nào để trẻ khỏe – cả nhà vui?
Để chăm sóc tốt sức khỏe trẻ em trong những ngày tết, giúp trẻ vui tết mạnh khỏe, an toàn bên gia đình, thoải mái khám phá các nét văn hóa ngày tết của dân tộc, các bậc phụ huynh cần lưu ý các điều sau:
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn gồm: chất bột đường (cơm, bún, phở,…), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng,…), nhóm chất béo (dầu, mỡ,…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả). Cần chú ý bổ sung rau củ quả hàng ngày vì trong rau quả có nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Thiếu vitamin và khoáng chất có thể khiến cơ thể giảm khả năng miễn dịch và dễ bị ốm.
Phụ huynh cần nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, ăn chín, uống sôi tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng. Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước,...
Bên cạnh đó, giữ cho thời gian biểu của trẻ đều đặn: cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, đảm bảo trẻ ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, thời gian các bữa ăn không bị chênh lệch so với ngày thường, không để trẻ mất bữa.
Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt, đặc biệt là thời điểm gần bữa ăn chính. Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhất là trẻ nhỏ. Trẻ cần được ngủ ngon, ngủ đủ giấc để phát triển tốt.
Ngược lại, nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm, trẻ không chỉ chậm lớn, mệt mỏi hay quấy khóc, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Sức khoẻ của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị xáo trộn.
Ngoài ra, cần cho trẻ uống đủ nước sạch mỗi ngày: nước là thành phần quan trọng của các tế bào trong cơ thể, là môi trường hoặc dung môi hóa học cho các phản ứng xảy ra trong cơ thể (tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa,…), ở trẻ em lượng nước chiếm 2/3 trọng lượng. Thiếu nước có thể khiến trẻ mệt mỏi, uể oải. Nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, hạn chế các loại nước có ga, nước ngọt và tránh xa rượu, bia.
Giữ vệ sinh phòng bệnh cho trẻ
Ngày tết ở Việt Nam thường có phong tục đi chúc tết anh em, họ hàng, bạn bè thân thiết. Việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, tiếp xúc với đồ ăn, đồ chơi nhiều hơn thường nhật, cùng với thói quen của trẻ thường dùng tay để bốc thức ăn có thể khiến trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tay chân miệng, viêm dạ dày ruột, ngộ độc thực phẩm, cảm cúm,…
Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý nhắc trẻ giữ vệ sinh răng miệng và thân thể để bảo vệ sức khỏe. Dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ. Nhắc trẻ đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày, sáng sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Có như vậy mới tránh được sự sinh sôi của vi khuẩn, hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm cho trẻ.
Phòng tai nạn thương tích cho trẻ (hóc dị vật, đuối nước, tai nạn…)
Hóc dị vật, tai nạn xe cộ, đuối nước, bỏng… là những tai nạn thương tích ngày tết thường gặp ở trẻ nhỏ. Do vậy, để những ngày tết vui vẻ sum vầy, an toàn và trọn vẹn các bậc phụ huynh cần chú ý những điều sau để đề phòng cẩn thận, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với trẻ:
Nên hướng dẫn trẻ ăn chậm, nhai kỹ, giám sát chặt chẽ khi trẻ ăn các loại hạt như lạc, macca, hạt bí,… Bên cạnh đó, nên để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Hơn nữa, cần giám sát chặt chẽ khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối,… và hướng dẫn trẻ tham gia giao thông an toàn.
Không nên cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện, các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng. Ngoài ra, không nên đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín để tránh ngộ độc khí CO. Đồng thời, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống để tránh nhầm lẫn. Tránh để các đồ vật như thủy tinh, sắc nhọn... gần tầm tay của trẻ. Cuối cùng, cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các động vật xung quanh để biết cách phòng tránh, không trêu đùa với động vật lạ.
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai