Hiện nay, tại tỉnh Đồng Nai đang là thời điểm giao mùa mưa – nắng, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa.
Theo Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 đến 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa.
Đặc điểm thời tiết khi giao mùa
Khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí giảm, ít gió,… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ mắc bệnh.
Mặt khác, điều kiện môi trường thay đổi như trên cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy,… Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn, nhất là với người già và trẻ em. Vì vậy, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt với bệnh lây lan nhanh như bệnh cúm mùa.
Bệnh cúm mùa và biện pháp phòng bệnh
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B và cúm C.
Tiêm phòng vắc xin cúm cho người dân tại CDC Đồng Nai.
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, điển hình như sốt (thường trên 380C), đau nhức cơ toàn thân, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn, đặc biệt đối với những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Với thời tiết giao mùa tại Đồng Nai hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm. Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để nâng cao thể trạng; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch cúm xảy ra.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm khi không cần thiết; phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các đối tượng trên.
Đặc biệt, người dân nên tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Đây là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc cúm và dễ có biến chứng nặng như: nhân viên y tế, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…), người già, phụ nữ có thai. Việc tiêm phòng vắc xin cúm giúp giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% – 90%.
Cuối cùng, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn điều trị kịp thời; không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai