Trong dịp Tết Nguyên đán, người dân Việt Nam có truyền thống tốt đẹp là thăm hỏi, chúc tết người thân, bạn bè đầu năm mới. Tuy nhiên, phong tục này cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh dại nếu các gia đình thiếu chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Bệnh dại là mối nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng con người, tỷ lệ tử vong do bệnh dại gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng.
Tình hình bệnh dại hiện nay
Bệnh dại lưu hành ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó 95% các trường hợp tử vong ở khu vực châu Phi và châu Á. Đông Nam Á là điểm nóng về bệnh dại với số lượng chó thả rông lớn, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn vật nuôi (chó, mèo) thấp cùng tình trạng buôn bán thịt chó, mèo phổ biến tại một số quốc gia.
Tại Việt Nam, nguồn chính gây bệnh dại là chó, mèo. Giai đoạn 2017 - 2021, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng hơn 70 trường hợp tử vong, là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất và hầu hết các địa phương trên cả nước đều ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại ở người. Trong năm 2024, trên cả nước ghi nhận 84 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 32 tỉnh, thành phố, tăng 02 trường hợp so với năm 2023 và đây cũng chính là bệnh truyền nhiễm có số trường hợp tử vong cao nhất trong năm 2024.
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người dân tại CDC Đồng Nai.
Tại Đồng Nai, trong năm 2024 toàn tỉnh ghi nhận 38 ổ dịch (OD) dại trên chó tại 06/11 huyện/TP và 26/159 xã/phường, bao gồm: huyện Long Thành 09 OD tại 07/14 xã (Bàu Cạn (01), Phước Bình (03), Long An (01), Tân Hiệp (01), Cẩm Đường (01) Phước Thái (01) và Thị trấn Long Thành (01)); huyện Vĩnh Cửu 08 OD tại 03/12 xã (TT. Vĩnh An (05), Vĩnh Tân (02) và Tân An (01)); huyện Thống Nhất 01 OD tại xã Lộ 25; huyện Nhơn Trạch 03 OD tại 02/12 xã (Phú Thạnh (02), Phước Khánh (01)); huyện Định Quán 10 OD tại 05/14 xã (La Ngà (03), Túc Trưng (01), TT. Định Quán (03), Phú Ngọc (01) và Suối Nho (02)); huyện Trảng Bom 07 OD tại 07/17 xã (Cây Gáo, Sông Trầu, Đồi 61, Thanh Bình, Bàu Hàm, Quảng Tiến, Bình Minh); tăng 18 ổ so với cùng kỳ năm 2023 (20 dịch).
Cũng trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 03 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 01 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023.
Chủ động phòng, chống bệnh dại dịp Tết Nguyên đán
Tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, có nhiều nguyên nhân gây tử vong do bệnh dại ở người như người bị động vật nghi dại cắn không tiêm vắc xin phòng dại và/hoặc huyết thanh kháng dại, tiêm muộn, không đủ liều, không đúng chỉ định, tự điều trị, dùng thuốc nam; công tác quản lý đàn chó, mèo còn lỏng lẻo, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng dại trên đàn chó mèo thấp (chỉ khoảng 50% tổng đàn chó, mèo).
Thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ nguy cơ lây truyền bệnh dại từ động vật sang người vẫn rất lớn, khả năng tiếp tục ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại ở người vẫn rất cao. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, việc tới chúc tết các gia đình có nuôi chó, mèo nếu không chủ động phòng tránh dễ bị chúng cào, cắn, liếm. Đặc biệt là đối với trẻ em, các em thường hiếu động, thích chơi đuổi bắt, ôm, kéo đuôi chó, mèo và khi tiếp cận những con vật lạ theo cách như vậy dễ khiến con vật trở nên hung dữ và tấn công con người.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại cho bản thân và cộng đồng trong thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2025, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
Tiêm vắc xin phòng dại cho tất cả chó, mèo; người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.
Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em.
Khi bị chó, mèo cắn cần vệ sinh và khử trùng vết thương bằng cách rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước; sau đó sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Và cần tới cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng bệnh dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn. Để vắc xin phòng bệnh dại có hiệu quả cần tiêm vắc xin đầy đủ trong thời gian ủ bệnh, trước khi các triệu chứng bệnh dại xuất hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.
Hạn chế tối đa việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với vi rút dại từ chó, mèo.
Trường hợp có nguy cơ mắc bệnh dại, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.
Vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, người dân hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai