Khác với hệ điều trị là chữa khỏi bệnh cho từng người dân thì hệ dự phòng làm công tác phòng bệnh cho cả cộng đồng. Họ được ví như những người “gác cổng” dịch bệnh, dẫu đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ, nguy cơ lây bệnh cao, nhưng họ vẫn luôn tràn đầy nghiệt huyết, dấn thân vì sức khỏe cộng động.
Góp phần kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
Hơn 30 năm công tác trong nghề, điều dưỡng Nguyễn Văn Linh, Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC Đồng Nai có hơn 30 năm đi làm mồi săn muỗi trong chương trình phòng chống sốt rét ở các xã vùng sâu, vùng xa “rừng thiêng, nước độc” của Đồng Nai như Thanh Sơn, Nam Cát Tiên (H. Định Quán), Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu)… “Mỗi lần đi bắt muỗi là 4-5 ngày, từ 18 giờ chúng tôi ngồi im lặng ở một góc, nơi ngược gió, với một phần chân tay để lộ ra ngoài để “nhử muỗi”. Trong thời gian phơi mình làm mồi cho muỗi, không chỉ bị muỗi Anophen đốt mà còn bị nhiều loài côn trùng khác cắn, đốt… Mỗi khi bắt gặp một con muỗi tôi lại dùng ống tuýp thủy tinh (dụng cụ để bắt muỗi) bắt sống từng con muỗi và nhốt chúng vào từng ống tuýp đã chuẩn bị sẵn. Mỗi ống tuýp chứa khoảng 3 con muỗi, ngăn cách giữa mỗi con là một miếng bông trắng” - điều dưỡng Linh kể.
Anh Nguyễn Văn Linh bắt muỗi tại xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu).
Năm 2015, Y sĩ Phan Ngọc Văn từ Thừa Thiên Huế vào định cư và làm việc tại Trạm Y tế xã Phú Lý (TTYT H.Vĩnh Cửu), cũng từ đó, anh gắn với nghề chống dịch, dập dịch. “Qua 10 năm làm công tác y tế dự phòng, tôi đã trải qua nhiều kỷ niệm vui, buồn trong nghề. Có 1 lần đi bắt muỗi đêm ở chương trình phòng chống sốt rét, do đường xa nên phải ở lại qua đêm. Không may chuyến công tác đó gặp cơn mưa, đường đi khó khăn bùn đất, trời tối đen như mực, chỉ có đèn của 2 chiếc xe máy vừa chở người vừa chở dụng cụ. Trời mưa ướt vừa lạnh vừa sợ thú rừng tấn công, cảm giác đường đến điểm bắt muỗi xa xôi hơn bao giờ hết”- anh Văn kể lại.
Y sĩ Phan Ngọc Văn tẩm hóa chất phòng chống sốt rét cho người dân xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu).
Còn BS.CKI Nguyễn Thị Hà - Trưởng khoa Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (TTYT H.Vĩnh Cửu) bén duyên với nghề phòng chống dịch đúng lúc đại dịch COVID-19 ập xuống năm 2020 (trước đó, chị là Trưởng khoa khám bệnh của đơn vị). Nhớ lại những ngày toàn tỉnh ghi nhận những ca bệnh đầu tiên, chị không sao quên được. Ca mắc đầu tiên ghi nhận tại Vĩnh Cửu ở một công ty giày, khoảng cách từ TTYT huyện đến công ty là 40 km, chị và các đồng nghiệp như “con thoi” đi lại để thực hiện điều tra dịch tễ, điều tra cộng đồng, với sự hỗ trợ từ CDC Đồng Nai. “Khi đại dịch COVID-19 ập xuống, lực lượng y tế của huyện rất mỏng, các ổ dịch xuất hiện tại Khu công nghiệp Thạnh Phú, trong đó có Công ty Changshin Việt Nam nơi tập trung nhiều công nhân từ các tỉnh thành đến làm việc. Cứ mỗi lần có ca bệnh là không kể nắng mưa, đêm ngày, chúng tôi phải lên đường truy vết tìm F1, F2… Vì là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sau mỗi đợt truy vết, chúng toi phải cách ly cả một thời gian dài, có khi cả tháng không về với gia đình” - chị Hà tâm sự.
BS.CKI Nguyễn Thị Hà thăm khám cho bệnh nhân tại TTYT H.Vĩnh Cửu.
Cần lắm sự ủng hộ của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe
Khó có thể kể hết những gian khổ của các y, bác sĩ làm công tác dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm thậm chí bản thân bị lây nhiễm bệnh… Nhưng khó khăn nhất vẫn là một bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng bệnh.
Điều dưỡng Dương Thùy Trang - Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (TTYT H.Vĩnh Cửu) tâm sự: “Công việc dù khó khăn vất vả, chúng tôi vẫn phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhưng vẫn còn đâu đó một bộ phận người dân chưa quan tâm đến chính sức khỏe của mình, thờ ơ với việc phòng bệnh, kiến thức có nhưng ý thức phòng bệnh chưa có là sự cản trở lớn nhất của phòng chống dịch bệnh”.
Cùng nỗi niềm khi người dân không thuận tình thực hiện công tác phòng dịch, anh Văn chia sẻ thêm: “Mỗi khi nhận tin có ca bệnh ở tuyến trên phản ánh xuống, với nhiệm vụ của mình, chúng tôi xách xe đi điều tra ca bệnh, lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Có những khi gặp người phản đối gay gắt, có nhiều lời nói không hay, thậm chí đóng cửa đuổi về không tiếp. Nhưng rồi, vì công việc chung, chúng tôi phải gặp mặt, giải thích cặn kẽ thì cũng nhận được sự đồng tình của người dân”.
Hay gần đây nhất là chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi. Công tác tiêm chủng còn có nhiều khó khăn như dân di biến động, trong nhóm trẻ nhỏ lẻ tại xã đông dân, địa bàn rộng. “Người dân thờ ơ với vắc xin, lực lượng y tế cơ sở thì quá mỏng, nhất là những xã có địa bàn rộng, dân cư di biến động nhiều, công tác tiêm chủng vẫn đang là việc đơn phương của ngành Y tế. Sau giờ hành chính, chúng tôi chia nhóm đi theo từng cụm dân cư, từng dãy nhà trọ, đúng nghĩa là rà từng đối tượng để lập danh sách những trẻ chưa tiêm chủng nhằm vận động cha mẹ đi tiêm vắc xin cho con” - chị Hà kể lại.
Trong những năm qua, Đồng Nai luôn xuất hiện các loại dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và diễn biến phức tạp, nhưng với sự hoạt động mạnh mẽ của hệ thống y tế dự phòng, các ổ dịch được xử lý nên dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Lặng thầm với những công việc tuyên truyền, giám sát, tẩm màn, bắt muỗi, điều tra, truy vết ca bệnh…, những người làm công tác y tế dự phòng vẫn đang ngày đêm đóng góp công sức của mình vào công cuộc phòng dịch bệnh cho nhân dân. Dẫu còn muôn vàn khó khăn từ chính sách, từ biến đổi dịch bệnh, từ sự không đồng tình của người dân nhưng họ không chùn bước. Với họ, không có người dân nào mang vi rút bệnh, ai cũng ý thức tự giác trong việc phòng bệnh - đó là niềm vui.
Mai Liên