Nước sạch đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sức khỏe con người. Tuy nhiên, nước đồng thời cũng là yếu tố gây nên các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm nếu việc cấp nước không tuân thủ đảm bảo an toàn - nước bị nhiễm bẩn. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân, trong thời gian qua các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm nếu có.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt
Tính đến năm 2023, tỷ lệ số dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT (14 chỉ tiêu) ước đạt 83,72%; Tỷ lệ dân được cấp nước sạch tại các đô thị ước đạt 95 %. Tuy nhiên theo kết quả quan trắc môi trường hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường: Kết quả đánh giá nội kiểm của các đơn vị cấp nước và ngoại kiểm của ngành y tế có nhiều chỉ tiêu chất lượng nước nguyên liệu và thành phẩm đã phát hiện thấy hoặc có hàm lượng cao hơn giới hạn cho phép so với quy định.
Để kiểm soát tốt chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt nhằm đảm bảo an toàn về vệ sinh và sức khỏe của người dân; mục tiêu xác định các thông số thử nghiệm, tần suất thử nghiệm và giới hạn tối đa cho phép các thông số thử nghiệm đặc trưng cho tỉnh Đồng Nai, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế làm trưởng đoàn đã có đợt kiểm tra các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể trong đợt kiểm tra lần này, đoàn đã tiến hành kiểm tra các nội dung về hồ sơ pháp lý của đơn vị cấp nước như: Kiểm tra hồ sơ theo dõi, quản lý chất lượng nước sạch; tần suất, thực trạng chế độ nội kiểm của đơn vị; tình hình, diễn biến chất lượng nước thành phẩm; việc thực hiện các biện pháp khắc phục khi có sự cố chất lượng nước; chế độ công khai thông tin và báo cáo chất lượng nước,…
Nhân viên CDC Đồng Nai kiểm tra chất lượng nước sạch.
Đồng thời đối với đơn vị cấp nước có công suất thiết kế trên 1.000 m3/ngày đêm, mỗi đơn vị đoàn tiến hành lấy tối thiểu 3 mẫu nước tại các trạm cấp nước khác nhau; còn đối với các đơn vị sử dụng nước tự khai thác sẽ được lấy tối thiểu 2 mẫu nước tiến hành làm xét nghiệm phân tích các thông số hóa lý và vi sinh theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT và test xét nghiệm nhanh clo dư tại các điểm lấy mẫu.
Đợt này ngành y tế cũng đặt ra mục tiêu, trong năm 2024 này 100% các nhà máy nước có công suất thiết kế trên 1.000 m3/ngày đêm sẽ được kiểm tra, đánh giá chất lượng theo thông tư 41/2018 TT/BYT và 50% cơ sở sử dụng nước khai thác (nước dưới đất, nước mặt) chưa có nước máy do đơn vị cấp nước cung cấp (khoảng 100 đơn vị) như chung cư, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực có chứa bể nước tập trung cũng được kiểm tra đánh giá chất lượng nước sạch.
Bên cạnh đó ngành y tế tiếp tục tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ chuyên trách, nhân viên y tế các Trung tâm Y tế huyện, thành phố nhằm nâng cao chuyên môn về kiểm tra, giám sát chất lượng nước.
Cần thực hiện nghiêm các quy định về xử lý nước sạch
Ông Trần Quốc Tứ, Phó quản đốc Công ty Cổ phần cấp nước Gia Tân (ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân, H.Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, nhà máy xử lý nước Gia Tân thành lập năm 2019 với công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm, công suất thiết kế đến năm 2023 tại đạt 40.000 m3/ngày đêm (công suất khai thác hiện tại đạt khoảng 20.000 m3/ngày đêm) sử dụng nguồn nước bề mặt từ Hồ chứa nước Trị An làm nguồn nước nguyên liệu. Hiện đơn vị đang cung cấp nước cho một số xã trên địa bàn huyện Định Quán, huyện Thống Nhất, KCN Long Khánh, một phần huyện Cẩm Mỹ với khoảng gần 20 ngàn khách hàng.
Để đảm bảo lượng nước sạch theo tiêu chuẩn cung cấp cho khách hàng, công ty thực hiện quy trình xử lý nước sinh hoạt bao gồm các bước cơ bản: Lọc rác, lắng sơ bộ, trộn chất trợ lắng, lắng - lọc, lọc tinh, lọc than, tiệt trùng và đưa vào sử dụng. Hằng ngày cán bộ của đơn vị trực 24/24 để nếu có sự có xảy ra sẽ tiến hành xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng tới chất lượng nước cũng như nhu cầu cung cấp nước của người dân. Hiện nguồn nước sạch của nhà máy cung cấp luôn đạt tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch do Bộ Y tế quy định.
Còn tại Chi nhánh cấp nước Biên Hòa – Công ty CP Cấp nước Đồng Nai (đóng tại P. Quyết Thắng, TP Biên Hòa) có công suất thiết kế 36.000 m3/ngày đêm, công suất khai thác hiện tại đạt 33.000 m3/ngày đêm. Công ty đang sử dụng nước sông Đồng Nai làm nguồn nước nguyên liệu, cung cấp nguồn nước cho 10 phường nội ô TP Biên Hòa.
Đơn vị luôn thực hiện nghiêm các quy định về xử lý nước sạch; kiểm tra 1 giờ/lần mẫu nước sau xử lý tại vị trí sau bể chứa với các thông số: pH, độ đục, Clo dư và đột xuất khi có sự cố (nếu có) xảy ra. Thực hiện kiểm tra chất lượng nước tần suất 01 tuần/lần.
Ông Trần Văn Phú, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nghiệp vụ Sở Y tế cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch tại một số đơn vị cho thấy: Hệ thống xử lý nước vận hành ổn định, không có sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước. Các đơn vị đã thực hiện tương đối đầy đủ lập và quản lý hồ sơ theo dõi, quản lý chất lượng nước; tần suất nội kiểm chất lượng nước đồng thời công khai thông tin, báo cáo định kỳ chất lượng nước theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT. Mặc dù kết quả kiểm tra tại hiện trường, tại một số vị trí trên hệ thống cấp nước cho thấy có hiện diện Clo dư trong nước, nhưng thông số vẫn đạt ngưỡng giới hạn cho phép theo quy định từ 0,2 – 1,0 mg/l.
Đoàn đã yêu cầu các đơn vị duy trì thực hiện nghiêm túc công tác nội kiểm chất lượng nước (lập, quản lý hồ sơ chất lượng nước, tần suất nội kiểm, công khai thông tin, báo cáo chất lượng nước) theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT. Có phương án can thiệp kịp thời khi chất lượng nguồn nước nguyên liệu bị giảm sút gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp. Duy trì và triển khai đầy đủ các nội dung cấp nước an toàn.
Thanh Tú