Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ đâu, từ sông suối, ao hồ đến ngay trong nhà, nếu trẻ không được giám sát hoặc thiếu kỹ năng an toàn dưới nước. Đặc biệt vào mùa hè, nguy cơ càng gia tăng khi trẻ tham gia các hoạt động bơi lội. Do đó, phòng chống đuối nước cho trẻ em là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự quan tâm của gia đình, nhà trường và cộng đồng để bảo vệ an toàn cho trẻ.
Theo thống kê của Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 1.900 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam cao gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao. Các vụ đuối nước xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%) và rất ít xảy ra trong trường học (1%). Trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ đuối nước cao gấp đôi so với trẻ em ở thành phố. Mùa hè là thời gian cao điểm xảy ra các vụ đuối nước ở trẻ em.

Trường học treo bảng thông tin tuyên truyền phòng chống đuối nước
Tại Đồng Nai, theo số liệu của Sở Y tế, năm 2024 toàn tỉnh có 31 vụ tử vong do đuối nước; 6 tháng đầu năm 2025 có 12 vụ tử vong do đuối nước (các số liệu này bao gồm của Đồng Nai cũ và Bỉnh Phước cũ).
Cụ thể, trong thời gian gần đây, có các trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra, như: ngày 1-5, bé gái T.B.N. (2 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) bị đuối nước trong hồ bơi tại nhà. Bé được đưa đến Bệnh viện ĐK Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, tím tái, đồng tử 2 bên giãn lớn (dấu hiệu tử vong cao), mạch, huyết áp đều bằng 0. Dù các bác sĩ đã tiến hành hồi sinh tim, phổi hơn 40 phút nhưng bé vẫn không có dấu hiệu phục hồi.
Trước đó, vào chiều 17-4, tại một con rạch trên địa bàn phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) xảy ra vụ đuối nước làm em N.P.L. (15 tuổi, học sinh lớp 8/3, Trường THCS Hòa Hưng, phường An Hòa, TP.Biên Hòa) tử vong.
Tai nạn tương tự cũng xảy ra cách đó đúng một tháng, vào chiều 17-3, 2 học sinh lớp 9/8 và lớp 8/1 Trường THCS Phước Tân 1 (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa), là anh em ruột, cũng bị đuối nước khi tắm ở sông Buông (phường Phước Tân).
Theo BS Trương Văn Xuất, Phụ trách phó phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em như nhu cầu bơi lội tăng cao, trẻ em thiếu sự giám sát của cha mẹ và người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước; nhiều nơi nguy hiểm không có biển cảnh báo, chỉ dẫn, cảnh giới; người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng chống đuối nước cho trẻ; nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác phòng chống đuối nước trẻ em và chưa bố trí kinh phí thực hiện… Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt chính là sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc quản lý trẻ em cũng như bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước là rất cần thiết.
Thực hiện Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước năm 2025, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai các nội dung sau:
Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trong cộng đồng, đặc biệt là tại các địa phương, địa bàn có nguy cơ cao gây đuối nước (sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch, vùng ngập lụt…); ưu tiên đối tượng truyền thông là trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng dân cư.
Phối hợp với các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể, trường học, chính quyền địa phương để triển khai hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội và các hình thức trực quan; Lồng ghép các nội dung truyền thông vào các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình tiêm chủng mở rộng, hội thảo, tập huấn… đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.
Treo khẩu hiệu, pano tuyên truyền tại cơ sở y tế, trường học, nơi công cộng trong tuần lễ cao điểm phòng chống đuối nước trẻ em từ ngày 20 đến 26/7/2025 với các thông điệp truyền thông chính năm 2025:
- Đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em.
- Học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước - “Phao cứu sinh” bảo vệ trẻ em khỏi đuối nước.
- Gia đình và nhà trường chủ động hướng dẫn, giáo dục, giám sát trẻ em về nguy cơ đuối nước và cách phòng, chống.
- Làm rào chắn an toàn để giảm nguy cơ trẻ em bị đuối nước.
- Phòng, chống đuối nước hiệu quả cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
- “Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7 – cùng hành động để không còn trẻ em bị đuối nước”.
Nghị quyết A/RES/75/273 (tháng 4-2021) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn ngày 25 tháng 7 hằng năm là Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước với mục tiêu chính là nâng cao nhận thức về tác động của đuối nước đối với các gia đình và cộng đồng, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Mai Chi (ghi)
