Hiện nay, bên cạnh gánh nặng từ tác hại của các sản phẩm thuốc lá truyền thống (như thuốc lá điếu, xì gà,…), Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng từ sự gia tăng người sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo Bộ Y tế, năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13 - 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử thì năm 2023 kết quả điều tra tại 11 tỉnh, thành phố đã tăng lên 8,1%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành năm 2015 là 0,2% tăng lên 0,6% năm 2021.
Các sản phẩm thuốc lá mới rất phong phú và đa dạng, chúng được thiết kế rất bắt mắt, thu hút người dùng đặc biệt là giới trẻ với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau như: hình thỏi son, hình cây bút, hình cái kem, hình hộp sữa bò, hình đồ chơi cho trẻ em, hình bật lửa,…
Thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotine, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh trật tự xã hội và nhiều lĩnh vực khác.
![](/UserFiles/Images/2025/2/tl%C4%91t.jpg)
Thuốc lá điện tử núp bóng dưới hình dạng hộp sữa. (nguồn: internet)
Gánh nặng bệnh tật từ tác hại của thuốc lá mới
Thuốc lá điện tử gây gánh nặng bệnh tật và chi phí liên quan đến bệnh tật lớn. Tại Việt Nam, chi phí y tế cho 5 trong số 25 loại bệnh liên quan đến thuốc lá năm 2011 (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, nhồi máu cơ tim, đột quy và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) đã là 24.679 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện thì chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tác hại của thuốc lá mới đầu tiên phải kể đến là gây nghiện. Trong thuốc lá điện tử, nicotin thường được cho vào với hàm lượng lớn hơn so với thuốc lá điếu thông thường, ở dạng dung dịch hoặc dạng bột (một dụng cụ hút có thể hút được nhiều nghìn hơi). Đặc biệt nicotin được sản xuất nhân tạo tổng hợp, thường dạng muối, có độ pH điều chỉnh để ít gây khó chịu với đường hô hấp, đồng thời với số lượng dẫn tới người sử dụng rất dễ bị ngộ độc và nhanh chóng dẫn tới nghiện nicotin.
Tiếp theo là các bệnh lý đường hô hấp. Bệnh “phổi bỏng ngô” hay còn gọi là viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, một bệnh hiếm gặp được cho là do diacetyl, một trong các hóa chất tạo mùi hương trong khói thuốc lá điện tử có khả năng đi sâu vào phổi gây ra. Bệnh viêm phổi lipid có liên quan đến hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là hậu quả của việc hít các hợp chất, chất dầu có trong dung dịch điện tử, các axit béo bám dính vào phổi và gây ra phản ứng viêm tại phổi. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các bệnh này. Người hút thuốc lá và hút thuốc lá điện tử còn có nguy cơ bị tràn khí màng phổi nguyên phát, suy giảm chức năng phổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các bệnh lý tim mạch cũng có thể gặp ở người có thói quen sử dụng thuốc lá mới. Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, sử dụng nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong. Một số hóa chất độc hại khác như carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.
Một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá truyền thống. Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxi hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u.
Ngoài ra, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng còn làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm).
Hơn nữa, không người trực tiếp sử dụng mà những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng sức khỏe bởi thuốc lá mới. Khói từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây hại cho sức khỏe của những người xung quanh.
Hít phải các chất độc hại như nitrosamines, aldehydes, carbon monoxide...trong khói của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng có nguy cơ mắc ung thư và tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ.
Bên cạnh gánh nặng bệnh tật, thuốc lá mới còn làm trầm trọng thêm các vấn đề về y tế công cộng, an ninh trật tự, xã hội và môi trường.
Cấm thuốc lá mới từ 01/01/2025
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, từ 1/1/2025, các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ chính thức bị cấm tại Việt Nam.
Người dân hãy chung tay loại bỏ thuốc lá mới vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng!
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai