Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhi trong tỉnh là nhiệm vụ được Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chú trọng thực hiện hàng đầu. Bằng việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phối hợp với các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật mới, trong thời gian qua Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã làm chủ nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, qua đó chữa trị thành công nhiều ca bệnh hiếm, bệnh khó.
ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, tháng 10-2013, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Điều này tạo thuận lợi cho bệnh viện trong việc nâng cao trình độ tay nghề điều trị cho bệnh nhi. Tính đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 30 kỹ thuật chuyên sâu từ các bệnh viện tuyến trên chuyển giao như: phẫu thuật teo thực quản, phẫu thuật tái tạo khe hở môi, hở hàm ếch, phẫu thuật chấn thương sọ não, kỹ thuật siêu âm các bệnh tim phức tạp, phẫu thuật tạo hình hậu môn, làm hậu môn nhân tạo cấp cứu ở trẻ sơ sinh, phẫu thuật viêm ruột thừa, phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn, cắt nang thừng tinh 1 bên 2 bên, nội soi màng phổi, phẫu thuật nội soi ổ bụng…

Ê kíp thực hiện ca mổ cho bệnh nhi N.Đ.D. 4 tuổi bị chấn thương lộ nhu mô não.
Một trong các kỹ thuật được triển khai thành công nhất là phẫu thuật sọ não. Tháng 6-2014, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai lần đầu tiên thực hiện thành công ca mổ chấn thương sọ não. Hiện bệnh viện đã tự thực hiện được kỹ thuật trong phẫu thuật sọ não như: phẫu thuật láy máu tụ trong sọ, ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não; phẫu thuật lấy máu tụ ngoài màng cứng trên lều tiểu não; phẫu thuật vết thương sọ não hở…
Trong năm 2023, Bệnh viện đã liên tục phẫu thuật thành công nhiều ca chấn thương sọ não nặng cho bệnh nhi. Điển hình như cuối tháng 7-2023, bệnh viện đã mổ cấp cứu thành công cho bé N.T.H., (6 tuổi, ngụ tại phường Trảng Dài – TP. Biên Hòa) bị chấn thương sọ não nguy kịch.
Cụ thể, bé H. bị tai nạn giao thông nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, trầy xước chân tay, sưng nề đầu, mặt. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã lập tức đặt ống nội khí quản, truyền dịch cho bệnh nhi.
Qua thăm khám, chụp CT-scanner, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi bị xuất huyết dưới màng cứng thái dương phải, đẩy lệch não qua trái, tình trạng bệnh rất nguy kịch, cần mổ cấp cứu gấp.
Trong vòng 2,5 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã mở nắp sọ thái dương phải của bệnh nhi, gửi ngân hàng mô ở TP.HCM để nuôi nắp sọ. Đồng thời, tiến hành cầm máu vùng não dập, vá chùng màng cứng cho bệnh nhi.Sau 1 ngày phẫu thuật, hồi sức thở máy, bệnh nhi đã tỉnh lại. Hơn 10 ngày sau, bệnh nhi tỉnh táo, chưa ghi nhận di chứng não. Dự kiến khoảng 3 tháng sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật ghép lại xương sọ cho bệnh nhân.
Hay trước đó, vào tháng 5-2023 bệnh viện cũng đã thực hiện thành công ca phẫu thuật chấn thương lộ nhu mô não cho bệnh nhi N.Đ.D., (4 tuổi, ngụ tại thị trấn Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) bị té khi tham gia giao thông.
Cụ thể ngày 23-5, bé D. được mẹ chở trên xe máy va chạm với người đi bộ, nên bé bị ngã chấn thương vùng đầu, chảy máu nhiều. Bé nhập viện trong tình trạng tỉnh táo. Qua thăm khám và thực hiện chụp CT-Scanner cho thấy bé bị tổn thương nhu mô não vùng khu trú, phần xương sọ ở vị trí thái dương bị găm sâu vào não gây dập não, não chảy ra ngoài khoảng 3ml.
Trong 2 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã khoan 1 lỗ ngoài vết thương, sau đó cưa sọ quanh vết thương để lấy mảnh xương sọ vỡ ra khỏi não; tiến hành cầm máu và lấy mô não dập, làm sạch tổn thương, vá màng cứng bằng cân cơ thái dương, khâu treo màng cứng, đóng nắp sọ và dẫn lưu.
Theo các bác sĩ, ca bệnh này khá phức tạp vì vùng tổn thương dễ bị nhiễm trùng, dễ chảy máu, mất máu. Do đó, có thể gây tình trạng thiếu máu, động kinh hoặc chảy máu khi mổ. Ngay vị trí vết thương có tĩnh mạch lớn nên khi lấy xương sọ bị vỡ ra khỏi não thì máu chảy rất nhiều gây khó khăn quá trình cầm máu.
Sau hơn một tuần điều trị tích cực, bé D. đã hoàn toàn khỏe mạnh, có thể ăn uống, vui chơi; chưa thấy có di chứng.

Điều dưỡng chăm sóc cho trẻ bị uốn ván sơ sinh được cứu sống thành công.
Bên cạnh các kỹ thuật về lĩnh vực ngoại nhi, thì các kỹ thuật cao trong lĩnh vực nội nhi, hồi sức cấp cứu bệnh viện cũng đã làm chủ được như: lọc máu, thở máy sơ sinh, đặt catheter tĩnh mạch trung ương PICC, thở khí NO, đo cung lượng tim, hạ thân nhiệt chỉ huy, siêu âm cấp cứu tại giường… Nhờ đó, trong những năm qua bệnh viện đã chữa trị thành công cho hàng loạt ca bệnh nặng từ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh, điều trị thành công các ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân, uốn ván sơ sinh, đến những ca bệnh nặng về tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm màng não, đuối nước, hóc dị vật…
“Với việc tiếp nhận và làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại, số bệnh nhân chuyển viện đã giảm nhiều so với những năm trước. Cơ hội cứu sống cho bệnh nhi cũng nhờ vậy được nâng lên” – BS Nghĩa thông tin thêm.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khấm chữa bệnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết: “Trong thời gian qua, bệnh viện đã cử một số ê kíp từ bác sĩ đến điều dưỡng, kỹ thuật viên lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để học tập tiếp nhận kỹ thuật ECMO và các kỹ thuật mới trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Định hướng của bệnh viện là tiếp tục phát triển thêm các kỹ thuật khó, nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhi”.
Gia Nhi