Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Cách phòng ngừa hiệu quả đó chính là tiêm vaccine phòng viêm gan B.
Người lớn nào cần tiêm viêm gan B?
Tiêm phòng viêm gan B có mấy mũi? Đối với người lớn, trước khi tiêm phòng viêm gan B cần làm xét nghiệm máu để biết cơ thể mình đã nhiễm virus chưa và có kháng thể hay chưa. Nếu cơ thể chưa từng nhiễm virus viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (AntiHBs âm tính) sẽ được khuyến cáo tiêm phòng 3 mũi theo phác đồ: Mũi 1: lần đầu đến tiêm; Mũi 2: một tháng sau mũi 1; Mũi 3: sáu tháng sau mũi 1.
Người trưởng thành có nguy cơ nhiễm HBV cao cần được sàng lọc và tiêm phòng viêm gan B nếu chưa có miễn dịch hoặc đã nhiễm. Những nhóm có nguy cơ cao bao gồm:
• Nam, nữ giới quan hệ tình dục đồng giới.
• Những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
• Những người có nhiều hơn 1 bạn tình trong vòng 6 tháng trở lại đây.
• Nhân viên y tế và nhân viên an toàn công cộng, công an, cảnh sát… có khả năng tiếp xúc với máu hoặc các dịch cơ thể có khả năng lây nhiễm khác.
• Những người đang hoặc gần đây tiêm chích ma túy bất hợp pháp.
• Những người bị bệnh đái tháo đường và < 60 tuổi (hoặc ≥ 60 tuổi nếu nguy cơ mắc HBV của họ được coi là cao).
• Những người bị bệnh thận giai đoạn cuối có chạy thận.
• Người nhiễm HIV.
• Người thân trong gia đình và bạn tình của những người dương tính với HBsAg.
• Những người trong các cơ sở cải huấn hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ có người tiêm chích ma túy.
• Người mắc bệnh gan mạn tính, viêm gan C.
• Khách du lịch quốc tế đến những vùng đang lưu hành HBV ở mức cao hoặc trung bình.
• Người bệnh và nhân viên của các cơ sở dành cho người khuyết tật.
![](/UserFiles/Images/2023/Thang%203/viemganb-16791479333611912138872.jpg)