Thời gian vừa qua, công tác quản lý hoạt động, cung ứng, sử dụng thuốc, công tác dược lâm sàng và quản lý giá thuốc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trực thuộc Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh chữa bệnh trung ương, ngành và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số đơn vị chưa triển khai công tác dược lâm sàng, sử dụng thuốc theo tên thương mại có giá trị cao, thuốc ngoại nhập khá phổ biến, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền mới đạt 50% và đang có xu hướng giảm, một số đơn vị được cấp tài khoản kết nối “cơ sở dữ liệu dược quốc gia” nhưng chưa chuyển dữ liệu liên thông.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc, công tác dược lâm sàng, và thực hiện tố đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và cơ sở dữ liệu dược quốc gia, ngày 03-01-2020, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản số 30/SYT-NV về việc tăng cường công tác dược bệnh viện, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cấp phát thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:
- Xây dựng một danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao sử dụng tại đơn vị mình phải căn cứ mô hình bệnh tật, chỉ tiêu kết hoạch, danh mục kỹ thuật của đơn vị, danh mục thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc y học cổ truyền thuộc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế… để xây dựng danh mục, số lượng từng mặt hàng sát với thực tế sử dụng, đảm bảo cung ứng kịp thời đủ thuốc, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại đơn vị mình. Ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước cùng chủng loại, chất lượng tương đương và giá không cao hơn thuốc ngoại nhập.
- Hội đồng thuốc và điều trị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc trong điều trị; xây dựng danh mục thuốc sử dụng trong bệnh viện; xây dựng và thực hiện các hướng dẫn trong điều trị…
- Tăng cường tiếp nhận, tuyển dụng dược sỹ đại học, cử cán bộ có năng lực học chuyên khoa dược lâm sàng để đảm bảo đủ nhân lực triển khai thực hiện công tác dược lâm sàng, đơn vị thông tin thuốc...
- Đẩy mạnh hoạt động của tổ thông tin thuốc tại bệnh viện: cập nhật và thông báo các văn bản mới, quy định mới, thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, người bệnh và thân nhân người bệnh.
- Triển khai thực hiện tốt công tác thống kê báo cáo, kiểm nhập, bảo quản, cấp phát.
- Các bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế đa chức năng và bệnh viện Nhi đồng trực thuộc Sở Y tế phải tổ chức bán lẻ thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần cho bệnh nhân điều trị ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế và.
- Các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiên đúng quy định tại Điều 136 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Điều 5, Nghị định 155/2018/NĐ-CP; triển khai thực hiện GPP, kết nối và chuyển dữ liệu liên thông “cơ sở dữ liệu Quốc gia” theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Các đơn vị phải đầu tư các cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai thực hành tốt bảo quản thuốc- GSP tại kho thuốc bệnh viện theo quy định của Sở Y tế, tăng cường nhân lực, phương tiện, cải tiến quy trình làm việc nhằm rút gắn thời gian cấp phát thuốc bảo hiểm y tế.
Thanh Tú