Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân (HSSKCN) được ngành Y tế Đồng Nai khởi động từ tháng 9-2018 và được Ủy ban nhân dân tỉnh chính thức phê duyệt từ tháng 1-2019. Đây là hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh Đồng Nai gắn với bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến năm 2025 các tỉnh, thành phải hoàn thành việc lập và quản lý HSSKCN. Ngành Y tế Đồng Nai hiện đang nỗ lực và rất cần sự chung tay của người dân, sự phối hợp của các ban, ngành để hoàn thành sớm mục tiêu trong năm 2019.
Đã cơ bản hoàn thành các gói thầu
Kĩ sư Vưu Tấn Tiền, Chuyên viên CNTT Sở Y tế cho biết, trong 4 gói thầu đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện chúng tôi đã hoàn thành xong gói thầu số 1. Theo đó chúng tôi đã cho in ấn khoảng 800 ngàn mẫu HSSKCN theo mẫu của Bộ Y tế ban hành và bàn giao cho 170 xã, phường để chuẩn bị điều tra thu thập thông tin và trong tháng 8 này sẽ tổ chức tập huấn cho các điều tra viên.
Đối với gói thầu số 2 mua thiết bị quyét mã vạch, dự kiến trong tháng 8 sẽ trang bị 510 máy cho 170 xã, phường. Trung bình mỗi trạm y tế sẽ được cấp 3 máy nhằm hỗ trợ trong việc quét dữ liệu từ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của bệnh nhân vào phần mềm thông qua mã vạch in trên thẻ giúp giảm thao tác nhập liệu bằng tay, đây cũng là công cụ hỗ trợ bác sĩ trong việc truy xuất lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân từ đó có những chẩn đoán, điều trị tốt hơn.

Nhân viên y tế đang nhập dữ liệu trên phần mềm HSSKCN cho người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế phường Trảng Dài.
Về phần mềm HSSKCN, hiện Công ty Vitettel Đồng Nai đang cung cấp chạy thử và đang hoàn tất các thủ tục để đấu thầu. Dự kiến sau khi được phê duyệt, Sở Y tế sẽ thuê phần mềm này trong 3 năm với chi phí khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm và sẽ đàm phán cho giai đoạn tiếp theo. Đây là gói thầu có kinh phí lớn và phải giải trình nhiều sở, ban, ngành nhưng cũng sẽ sớm hoàn thành trong tháng 9.
Việc khởi tạo hồ sơ được thực hiện từ tháng 10-2018 và tính đến hết tháng 7-2019 đã khởi tạo được gần 3,6 triệu hồ sơ từ nguồn thẻ BHYT do Bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp, những hồ sơ được nhập từ trạm y tế, hồ sơ phần mềm tiêm chủng. Dự kiến còn khoảng 800 ngàn người dân chưa có thẻ BHYT sẽ được điều tra thông tin bằng phiếu thủ công sau đó phần mềm sẽ sàng lọc và loại bỏ những người trùng tên để cho ra được con số thực.
Cần sự phối hợp của người dân trong thu thập thông tin
Cử nhân Nguyễn Thị Loan, chuyên viên CNTT Viettel Đồng Nai cho biết cái khó nhất hiện nay đó là việc liên thông dữ liệu giữa phần mềm khám chữa bệnh HIS, bởi hầu như dữ liệu khám chữa bệnh của người dân trước đây như lịch sử khám bệnh, các chỉ định điều trị… đều được lưu trữ trên phầm mềm HIS do FPT quản lý. Hiện FPT và Sở Y tế đang thương thảo để chuyển toàn bộ dữ liệu trên sang phần mềm HSSKCN, sau khi dữ liệu được cập nhật phần mềm sẽ sàng lọc và loại bỏ những người trùng tên để có con số thực tế và chuyển giao số liệu này cho các cơ sở y tế quản lý và vận hành.
Bác sĩ Lại Đức Hạnh, Trưởng trạm y tế phường Trảng Dài cho hay, từ khi có kế hoạch triển khai HSSKCN, sau khi được tập huấn trạm đã cử nhân viên phụ trách thu thập thông tin của người dân đến khám tại trạm để nhập dữ liệu vào hệ thống. Thời gian thời sắp tới phải đi điều tra cả những người không có thẻ BHYT, với đặc thù địa bàn rộng, dân đông việc thu thập thông tin cũng sẽ gặp khó khăn.
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, mục đích của HSSKCN là phải cập nhật được các dữ liệu sức khỏe cá nhân của mỗi người dân. Những người có thẻ BHYT, Sở Y tế đã lấy thông tin từ dữ liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh. Hiện có khoảng 85% dân số đã có dữ liệu cơ bản. “Còn khoảng 800 ngàn người dân chưa có dữ liệu, cần phải điều tra. Chúng tôi phải dựa vào đội ngũ cộng tác viên của các trạm để điều tra trong thời gian tới. Điều đáng lo ngại là các địa phương có dân số biến động. Hơn nữa, trong phiếu điều tra phải có thông tin: cân nặng, chiều cao, nhóm máu… tôi lo người dân sẽ không hợp tác và đội ngũ điều tra viên gặp khó khi thu thập thông tin”, BS. Trung băn khoăn.
Hoàn Lê