Theo một nghiên cứu quy mô lớn chỉ ra tác động sức khỏe kéo dài của COVID-19, nguy cơ mắc bệnh mới, thương tật và tử vong vẫn tăng cao ở một số bệnh nhân sau hai năm mắc COVID-19.
Nghiên cứu của Trung tâm Dịch tễ học Lâm sàng của Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh (VA) St Louis ở Mỹ vừa cho thấy những căn bệnh kéo dài ở những người từng mắc COVID-19 đang làm tăng thêm gánh nặng bệnh tật của đại dịch COVID-19 như thế nào.
Những người mặc dù nhiễm thể nhẹ và không phải nhập viện vì COVID-19 cấp tính thì vẫn có nguy cơ gặp phải các rối loạn kéo dài cao hơn so với người không mắc trong hai năm sau đó. Các rối loạn sức khỏe liên quan đến COVID-19 bao gồm cục máu đông, tiểu đường và bệnh về phổi, đường tiêu hóa và cơ xương.
Được công bố trên tạp chí Nature Medicin ngày 21/8, nghiên cứu trên ước tính khoảng 65 triệu người trên toàn cầu đang phải sống chung với chứng bệnh được gọi là tình trạng hậu COVID-19. Con số này vẫn đang gia tăng đều đặn do tình trạng thiếu các phương pháp điều trị chính thức và các biến thể của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan.
Để phòng chống COVID-19, ngoài đeo khẩu trang và khử khuẩn thì tiêm vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu.
Tiến sĩ Michael Peluso, Phó Giáo sư y khoa tại Đại học California, cho biết: “Mặc dù các triệu chứng COVID-19 kéo dài của nhiều người cải thiện chậm theo thời gian, nhưng quá trình này có thể mất nhiều năm và một số triệu chứng vẫn tồn tại sau thời điểm đó”.
COVID-19 kéo dài liên quan đến hơn 200 triệu chứng ảnh hưởng đến mọi hệ cơ quan trong cơ thể.
Nhóm chuyên gia tại Trung tâm Dịch tễ học Lâm sàng của Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh (VA) St Louis đã sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia để so sánh tỷ lệ mắc 80 vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 của 138.818 cựu chiến binh sau tháng đầu tiên mắc bệnh trong năm đầu của đại dịch với gần 6 triệu người không bị nhiễm bệnh trong cùng thời gian trên.
Những người không phải nhập viện vì COVID-19 có nguy cơ phát triển 31% trong số 80 bệnh sau hai năm theo dõi, so với nhóm đối chứng không nhiễm bệnh. Trong khi đó, bệnh nhân COVID-19 thể nặng có nguy cơ phát triển 65% các loại bệnh mới.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà dịch tễ học Ziyad Al-Aly giải thích thêm: “Rõ ràng là những người nhập viện trong giai đoạn cấp tính của nhiễm Sars-CoV-2 phải trải qua một chặng đường dài và gian khổ để hồi phục. Họ có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể, thậm chí sau hai năm mắc bệnh”.
Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nguy cơ tử vong do COVID-19 không đáng kể sau sáu tháng đối với những bệnh nhân không nhập viện, nhưng vẫn tăng đáng kể trong suốt hai năm đối với những người đã nhập viện. Tuy nhiên, các tác giả cho biết hầu hết người dùng hệ thống y tế VA là nam giới lớn tuổi nên điều này có thể hạn chế mức độ áp dụng của kết quả nghiên cứu đối với các nhóm khác.
Ngày 18/8, các chuyên gia trong một nghiên cứu riêng biệt cho biết mắc COVID-19 thể nặng có thể gây ra những thay đổi lâu dài đối với hệ miễn dịch bẩm sinh - tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại các mầm bệnh.
Một nghiên cứu khác vừa được công bố cũng chỉ ra rằng COVID-19 có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp khởi phát, đặc biệt là ở những bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Ngày 20/8, giới chức Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến hối thúc người dân tiêm mũi vaccine tăng cường phòng ngừa COVID-19 vào mùa Thu năm nay nhằm ứng phó một làn sóng lây nhiễm mới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chức y tế của Mỹ cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến thể phụ mới của chủng Omicron là BA.2.86 gây bệnh COVID-19, mặc dù hiện chưa thể xác định được nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do biến thể phụ mới này có thể gây ra.
Hoàng Trang
Nguồn: TTXVN