Trong môi trường lao động, tiếng ồn trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với người lao động. Từ những âm thanh của máy móc vận hành trong quá trình làm việc, nếu người lao động tiếp xúc thời gian dài có thể làm giảm thính lực và nguy hiểm hơn là gây ra bệnh điếc nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giảm thính lực do tiếng ồn
BS.CKI Bùi Ngọc Quang, Phụ trách khoa Bệnh nghề nghiệp, CDC Đồng Nai cho hay, có rất nhiều ngành nghề trong quá trình hoạt động sản xuất gây tiếng ồn cao vượt mức giới hạn cho phép sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động: Các ngành công nghiệp sản xuất như sản xuất ô tô, đúc kim loại, sản xuất gỗ, sản xuất nhựa, sản xuất thực phẩm, sản xuất giấy,… thường làm việc trong môi trường mà các máy móc và quy trình sản xuất gây ra tiếng ồn cao. Trong ngành xây dựng, tiếng ồn từ máy xúc, máy nén, máy khoan và các công cụ khác có thể gây nguy hiểm cho người lao động.
Các công trình xây dựng lớn như cầu, đường cao tốc và công trình hầm cũng có thể tạo ra tiếng ồn lớn. Các hoạt động nông nghiệp như sử dụng máy cày, máy gặt, máy phun thuốc và máy nén hơi có thể tạo ra tiếng ồn đáng kể. Các ngành, nghề, công việc khác có tiếp xúc với tiếng ồn cao…
Cũng theo BS Quang, hàng năm trong quá trình đi quan trắc môi trường lao động định kỳ chúng tôi phát hiện nhiều công ty, nhà máy trong quá trình sản xuất gây tiếng ồn cao vượt mức giới hạn cho phép. Qua đó, chúng tôi đã kiến nghị công ty, nhà máy cho công nhân người lao động đi khám chuyên khoa để bảo vệ thính giác cũng như sức khỏe. Bởi việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc trung bình lớn trong một thời gian dài có thể gây tổn thương các mô mềm của tai trong. Tế bào thần kinh ở tai trong sẽ bị phá hủy nếu tiếp xúc liên tục hoặc lặp đi lặp lại với những âm thanh lớn. Khi số tế bào thần kinh bị hỏng đủ nhiều, thính giác sẽ mất đi vĩnh viễn.
Nhân viên khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học, CDC Đồng Nai đo tiếng ồn tại một công ty trên địa bàn tỉnh.
Tiếng ồn có hại cho thính giác hay không phụ thuộc vào độ lớn, độ cao và độ dài thời gian tiếp xúc. Độ lớn của một âm thanh (đo bằng decibel) và độ dài thời gian được tiếp xúc có liên quan với nhau. Tiếng ồn càng cao thì người lao động sẽ càng bị tổn thương, giảm thính lực và có thể bị bệnh điếc nghề nghiệp. Ví dụ, việc tiếp xúc với tiếng ồn có độ lớn là 85 decibel 8 tiếng mỗi ngày có thể gây tổn thương tai sau một thời gian.
Các triệu chứng của suy giảm thính lực do tiếng ồn
Theo bác sĩ Quang, một trong những lý do người lao động không nhận ra sự nguy hiểm của tiếng ồn là vì tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn gây ra rất ít triệu chứng. Suy giảm thính lực hiếm khi gây đau đớn. Các triệu chứng thường là những cảm giác mơ hồ của áp lực trong tai hay ù tai, tiếng nói nghe như bị nghẹt hoặc ở xa hơn. Bạn cũng có thể nghe như có tiếng ong hay muỗi kêu trong tai khi ở nơi yên tĩnh. Những triệu chứng này có thể mất đi trong vài phút, vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiếp xúc với tiếng ồn.
Nhiều người cho rằng nếu triệu chứng biến mất, tai của họ đã trở lại bình thường. Điều này không đúng lắm. Thậm chí ngay cả khi những triệu chứng không còn nữa, một số tế bào ở tai trong có thể đã bị phá hủy bởi tiếng ồn. Thính lực của bạn trở lại bình thường vì còn đủ số lượng tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, thính lực sẽ suy giảm dần dần nếu việc tiếp xúc với tiếng ồn cứ lặp đi lặp lại.
Dấu hiệu đầu tiên của suy giảm thính lực do tiếng ồn là không nghe ra âm thanh tần số cao, như tiếng chim hót, hoặc không nghe được giọng nói trong một đám đông hoặc trong khu vực ồn ào. Khi tổn thương tiếp tục diễn ra, thính lực suy giảm hơn nữa và âm thanh tần số thấp cũng trở nên khó nghe.
Ngăn ngừa suy giảm thính lực do tiếng ồn
Bác sĩ Quang cho hay, để phòng tránh suy giảm thính lực do tiếng ồn, các công ty nhà máy cần làm tốt hơn công tác duy tu bảo dưỡng máy móc trước khi vận hành nhằm giảm cường độ tiếng ồn từ nguồn phát sinh trong quá trình hoạt động. Giảm tiếng ồn bằng cách ly nguồn phát sinh tiếng ồn và bằng cách hấp thu bề mặt, phản xạ tại chỗ. Bố trí máy móc, sắp xếp dụng cụ hợp lý. Sử dụng các phương tiện chống ồn cá nhân như nút tai, chụp tai… Bố trí công nhân làm việc trong các phòng riêng biệt cách ly với nguồn gây ồn, bố trí thời gian làm việc hợp lý. Khám tuyển, khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc cần loại trừ những cá nhân có bệnh về tai. Theo dõi quản lý sức nghe để có bố trí công việc hợp lý của công nhân. Tổ chức giáo dục, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của công nhân về tác hại của tiếng ồn và bệnh điếc nghề nghiệp để họ có ý thức tự giác thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh và an toàn vệ sinh lao động.
Đối với công nhân trực tiếp sản xuất tại nơi có phát sinh tiếng ồn, cần duy trì tốt công tác bảo trì/ bảo dưỡng máy móc thiết bị. Quan trắc môi trường lao động định kỳ và tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (Điếc nghề nghiệp) nếu có vị trí tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép, nhằm phát hiện sớm những người có nguy cơ bị mắc bệnh điếc nghề nghiệp. Đối với trường hợp giảm sức nghe hai tai, một tai: đề nghị khám thính lực định kỳ, đồng thời công ty bố trí công việc hợp lý, hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn (nơi có tiếng ồn ≤85dB), khám chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Đối với người lao động làm việc tiếp xúc với tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép cần được khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện những tình trạng bệnh lý ban đầu do tiếng ồn hoặc bệnh ở giai đoạn mới, giai đoạn tiềm tàng…
Sao Mai